6 giờ sáng ngày 25-7, chị Dương Thị Mai, công nhân (CN) một công ty điện tử tại KCN Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) mới kết thúc ca làm việc đêm. Trên đường trở về khu trọ - nơi chị đang thuê sống cùng chồng và 2 đứa con, một 2 tuổi và một 4 tuổi - chị mua vội một chiếc bánh mì cho bữa sáng. Lúc này chồng chị cũng rời khỏi nhà trọ để đi làm; còn chị cố ngăn cơn buồn ngủ để chuẩn bị bữa ăn sáng cho các con.
Ít giây phút thảnh thơi, quây quần
"Các cháu còn nhỏ nên cho các cháu ăn vào buổi sáng rất khó khăn; nhiều khi nửa tiếng chưa xong. Lắm lúc, do ức chế vì điều đó, cộng với căng thẳng, mệt mỏi khi làm việc thâu đêm khiến tôi đánh cháu, tất nhiên là đánh nhẹ vào mông thôi, nhưng sau đó thì rất hối hận" - chị Mai tâm sự. Sau bữa tối cùng cả nhà, đến 21h30, chị đi làm ca đêm; còn chồng cho các con đi ngủ. Chị Mai bảo, có khi cả ngày không gặp được chồng. Có lúc chị đi làm đêm mà chồng vẫn chưa về, chị đành phải nhờ hàng xóm trông con hộ khi các cháu đang ngủ.
Con công nhân KCN thường thiếu thốn vật chất và sự chăm sóc bởi bố mẹ chúng thường xuyên phải làm thêm để trang trải cuộc sống. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Công ty nơi chị Mai làm phân ra 3 ca làm việc: 6 – 14 giờ; 14 – 22 giờ và 22 – 6 giờ. Chị Mai làm ca 1 và ca 3. Hết 1 tuần liên tục làm đêm, lại đến 1 tuần chị liên tục làm ban ngày. Vì vậy, chị phải tính toán thật kỹ thời gian với chồng để có thời gian chăm con. Một tháng chị được nghỉ 2 ngày thứ 7 và 4 ngày Chủ nhật. "Một tháng 1 - 2 lần, vợ chồng tôi chở xe máy đưa các cháu sang Hà Nội, vào công viên, các trung tâm thương mại chơi. Nói chung, thời gian cả gia đình bên nhau là rất ít; hơn nữa, đi làm đêm về mệt mỏi quá, nên nhiều khi kiệt sức, trở về phòng trọ chỉ muốn ngủ. Vợ chồng ít có thời gian chia sẻ với nhau".
Làm vất vả như vậy, nhưng thu nhập của chị Mai chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Lương tối thiểu vùng đang áp dụng nơi chị làm việc là 3.750.000 đồng/tháng. Chồng chị làm nghề tự do nên thu nhập rất bấp bênh. "Tôi cầm lương chỉ được vài ngày là đã hết: Nào nộp tiền học, tiền nhà, mua sữa… cho con. Chi phí còn lại của cả gia đình trông chờ vào đồng tiền của chồng. Tính ra một tháng, chi phí của cả gia đình phải hơn 10 triệu đồng. Vì vậy, chúng tôi làm nhiều năm nhưng chẳng dành dụm được đồng nào; không dám nghĩ đến việc mua nhà để an cư. Tương lai thì rất bấp bênh, bởi biết là lương thấp, nhưng ở độ tuổi của tôi (32 tuổi) rất khó đi kiếm việc khác. Đành sống như hiện tại ngày nào hay ngày đó mà thôi" - chị Mai kể.
Vợ chồng không có thời gian để… cãi nhau
Ngoài những người phải làm ca đêm như chị Mai, rất nhiều CN buộc phải làm thêm - tăng ca để có thêm thu nhập mới có thể đủ cho chi tiêu hàng ngày. Điều này mang lại hệ lụy rất lớn đến gia đình nhỏ của họ.
Theo kết quả khảo sát "Tiếng nói người lao động (NLĐ) và câu chuyện sau những giờ làm thêm (2016)" do Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI) tiến hành, tác động tiêu cực của tăng giờ làm thêm lớn nhất là thiếu thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cái (46%), ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng (15%), không có thời gian giải trí (22%), không có thời gian giao lưu (10%), không chăm sóc được người trong gia đình (5%), không có thời gian đọc tin tức (2%).
Một nữ công nhân thuê trọ tại xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) đang chăm sóc con trong ngày nghỉ. Ảnh: QC
Vẫn theo khảo sát này, tăng ca khiến các cặp gia đình CN thiếu thời gian chăm sóc, trò chuyện, dạy dỗ, đưa con đi chơi. Nhiều gia đình phải gửi con về quê cho ông bà nuôi, khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên lỏng lẻo, mờ nhạt. Chị HTC - CN may tại TPHCM - chia sẻ câu chuyện buồn của mình với nhóm khảo sát: "Khi đứa con thứ nhất được 10 tháng thì tôi gửi về cho bà nội nuôi, vì sau khi hết chế độ thai sản, tôi phải đi làm, lại phải làm thêm nữa nên không chăm con được. Mỗi khi tôi về thăm con, con không theo, không ngủ cùng tôi. Lúc tôi ôm con, con không cho, xô tôi ra. Hai tháng sau, tôi về lại, con không nhận ra tôi luôn".
Khảo sát cũng đưa ra nhận định: Tăng ca cũng làm tăng mâu thuẫn vợ chồng. Một CN được khảo sát kể lại rằng: Hầu như hai vợ chồng không gặp nhau vào các ngày làm việc trong tuần, chỉ gặp nhau vào ngày chủ nhật. Nhiều khi cũng có mâu thuẫn vợ chồng, cảm thấy không thoải mái, nhưng thật sự không có thời gian để… nói với nhau, cãi nhau.
Một nữ CN khác thì cho biết vợ chồng chị thường xuyên bất hòa. Chồng hay cáu kỉnh, nhăn nhó bởi cả 2 đều đi làm về muộn, không nấu cơm được, phải ăn cơm ngoài. "Chồng nói tăng ca gì mà tăng ca hoài, nhưng mà phải chịu thôi, sao bây giờ? Không tăng ca thì mình có thể về sớm, lo việc nhà, vợ chồng sum họp, đi chơi thì thoải mái hơn. Tăng ca nhiều quá, không có thời gian đi chơi, chồng lại bỏ đi nhậu, nên tôi cũng tức lắm" - nữ công nhân này cho biết.
Bình luận (0)