Với mức lương hiện nay, công nhân (CN) sẽ rơi ngay vào tình cảnh "nghèo khó, túng quẫn" khi họ gặp những cú sốc dù nhỏ, hoặc nghỉ làm việc ít ngày và ngay cả khi không làm thêm giờ.
Mức lương tối thiểu vùng quá thấp
Điệp khúc "lương không đủ sống" cứ mãi đeo bám công nhân (CN) KCN từng ngày dù rằng ngày nào trong tuần, họ cũng chăm chỉ đi làm từ 9 - 12 tiếng nhưng thu nhập vẫn chỉ đủ ăn, ít có tiền để dành. Chính vì thu nhập thấp, họ phải chắt bóp từng đồng để trang trải cuộc sống.
Tại đường Đặng Thai Mai (xã Hưng Đông, TP.Vinh, Nghệ An) có nhiều dãy nhà trọ do người dân xây cho CN thuê. Điểm chung của các dãy nhà này là thấp, chật hẹp, ẩm thấp vào mùa mưa và vô cùng nóng nực vào ngày hè. Tuy nhiên, công nhân phải chấp nhận thuê vì không có lựa chọn khác.
Thu nhập bấp bênh khiến đời sống của ại bộ phận công nhân rất khó khăn ẢNH: NGUYỄN LUÂN
Có mặt tại đây vào sáng 19.7, tôi gặp bà Nguyễn Thị Thanh (63 tuổi, quê Thanh Chương) và đứa cháu nhỏ gầy yếu, bà cho biết là bé mới 10 tháng tuổi. Mẹ bé là Nguyễn Thị Mỵ (SN 1985) –CN một công ty may mặc tại KCN Bắc Vinh. "Mẹ nó đi làm từ 7h sáng, hầu như ngày nào cũng tăng ca khoảng 2 tiếng, đến 18h mới về nhà, hay than mệt" - bà Thanh cho hay. Làm việc quần quật như thế, nhưng lương chị Mỵ (kể cả tăng ca) cũng chỉ khoảng 3 triệu đồng.
Chồng làm thợ xây, ngày làm ngày nghỉ, trung bình được khoảng 4 triệu tháng. Cả 4 người thuê một nhà trọ rộng hơn chục mét vuông, giá 1,2 triệu đồng/tháng, vô cùng chật chội và nóng bức, chỉ có một chiếc giường, phải trải chiếu xuống đất mà ngủ. Với mức thu nhập ấy, hai vợ chồng chật vật lắm, mà cuộc sống cũng rất khốn khó. Con gái đầu (4 tuổi), hai vợ chồng phải gửi cho bà ngoại nuôi giúp.
Bà chủ nhà trọ số 316 đường Đặng Thai Mai cho biết: "CN ở đây chủ yếu làm công ty gấu bông, thu nhập trên dưới 3 triệu, họ sống rất chật vật. Nhà trọ của tôi chỉ cho thuê giá 500.000 đồng/tháng, nhưng CN cứ phải về nhà xin "viện trợ" gạo xuống để ăn.
Được biết, lương CN tại TP Vinh thuộc vùng III. Các địa bàn khác, mức lương còn thấp hơn. Đánh giá chung, LĐLĐ tỉnh Nghệ An cho rằng mức lương của CN tại các KCN còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Doanh nghiệp thường chỉ trả lương không thấp hơn mức tối thiểu vùng, cuộc sống của đa số CN còn khó khăn.
Cuộc sống nhàm chán cũng vì… lương thấp
Trên diễn đàn của CN KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội), chiều tối những ngày cuối tuần, anh chị em trong cùng xóm trọ lên diễn đàn rủ nhau ra quán trà đá nói chuyện suông chứ cũng không có hoạt động vui chơi giải trí gì khác.
Anh Lê Văn Bách (sinh năm 1993, làm việc tại Công ty TNHH Denso Việt Nam) cho biết: "Đời sống vật chất của CN đã khó khăn nhưng đời sống tinh thần lại càng kém. Đa phần CN ở đây đi làm về là đi ngủ vì mệt, nhất là những người đi làm ca đêm, họ ngủ cả ngày. Nếu không đi làm thì cũng đóng cửa phòng ngủ hoặc lên mạng trên điện thoại. Ngày nghỉ nhiều người cũng tranh thủ đi làm thêm giờ vì ngày nghỉ lương gấp đôi ngày thường. Chính vì thế mà cuộc sống của CN khá nhàm chán".
Chị Minh Nga (quê Thái Nguyên, đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long) tâm sự: "Tôi làm việc ở Hà Nội được gần 6 năm rồi, ở lâu một mình cũng thành quen, ăn một mình thì càng không có gì lạ. Công việc vất vả, tăng ca, làm thêm mà cũng chỉ được hơn 5 triệu đồng. Sau khi trang trải chi phí thuê nhà, điện, nước, thực phẩm… và sinh hoạt tiết kiệm lắm, tôi cũng chỉ dành dụm được hơn 1 triệu đồng gửi về quê để bố mẹ chăm con hộ".
Anh Nguyễn Minh Tùng là CN da giày làm việc tại một doanh nghiệp ở quận Bình Tân (TP HCM) có thu nhập "cứng" hằng tháng là 4,5 triệu đồng bao gồm lương cơ bản và các khoản phụ cấp như nhà trọ, đi lại, nuôi con dưới 6 tuổi. Nếu công ty tăng ca, thu nhập của anh vào khoảng 6 triệu đồng/tháng. Anh chia sẻ: "Hai vợ chồng đều là CN, tổng thu nhập hằng tháng của hai vợ chồng nếu có tăng ca là được hơn 10 triệu đồng/tháng. Mấy năm gần đây mới cải thiện được chút ít vì con trai của tôi lớn, gửi nhà trẻ được nên vợ mới tăng ca ở công ty. Trước kia, vợ chỉ nhận lương "cứng" nên thu nhập của hai vợ chồng dưới 10 triệu đồng, khốn khó vô cùng".
Tiếp lời chồng, vợ anh Tùng nói: "Nói bây giờ thu nhập cao hơn trước nhưng thực ra cuộc sống của gia đình đâu khá hơn bao nhiêu. Mình gửi con để đi tăng ca, tiền tăng ca gần như bù vào tiền gửi con nên chẳng tích lũy được bao nhiêu nhưng vẫn phải làm, vì mình không tăng ca, các anh chị ở chuyền không hài lòng".
Chị Lê Thị Hiền đang là CN Công ty điện tử Pocons Vina, KCN Yên Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Công ty chị thuộc đối tượng áp dụng lương tối thiểu (LTT) vùng 2, ở mức 3.320.000 đồng. Chị cho biết, tổng thu nhập của chị, nếu không làm thêm thì chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng; nếu có làm thêm thì tăng thêm được 1-2 triệu đồng. Chồng chị làm chạy xe ở ngoài, thu nhập rất bấp bênh, có tháng được 5-6 triệu đồng, nhưng có tháng gần như không được đồng nào.
Hiện chị cùng chồng và 2 con nhỏ đang thuê trọ trong KCN. Vì vậy, với mức thu nhập như trên, về cơ bản, gia đình chị kiếm được đồng nào tiêu hết đồng đó, cả năm hiếm khi dành dụm được đồng nào. Mỗi tháng, anh chị phải tốn hơn 3 triệu đồng tiền ăn uống; riêng tiền nuôi hai đứa con (một đứa 7 tuổi, một đứa 3 tuổi) phải lên tới 5-7 triệu đồng. Đấy là trong điều kiện các thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh, còn nếu không, chẳng may một người bị ốm đau, thì cuộc sống gia đình sẽ đảo lộn, bởi không chỉ phải mất người trông, mà còn phải vay mượn bên ngoài để có tiền trang trải trước cho cuộc sống hằng ngày cũng như cho chữa bệnh.
Theo kết quả điều tra về thu nhập, đời sống của CN trong các doanh nghiệp (DN) năm 2017 do Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) tiến hành, tiền lương thực tế của CN hết quý I năm 2017 (sau điều chỉnh) tăng 8,1%, cao hơn mức LTT vùng. Trong đó, DN tư nhân tăng 8,02%; DN FDI tăng 5,0%. Cũng theo kết quả điều tra, chỉ có 1,8% số CN cho biết mức điều chỉnh LTT năm 2017 là cao; 42,9% số CNLĐ cho là phù hợp và 55,3% số CNLĐ cho là còn thấp.
Theo PGS-TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn - để đảm bảo mức sống tối thiểu, từng bước nâng cao thu nhập cho tương xứng với công sức của CN và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đề nghị Chính phủ, Hội đồng Tiền lương Quốc gia và các bộ, ngành liên quan điều chỉnh tiền LTT sao cho để đến hết năm 2018, mức LTT phải đáp ứng đủ mức sống tối thiểu theo quy định của Bộ luật Lao động.
Bình luận (0)