Theo đó, việc lấy ý kiến phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động. Có 3 nội dung lấy ý kiến gồm: Chính sách, pháp luật về lao động; các biện pháp phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động; báo cáo thực hiện các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế đã được Việt Nam phê chuẩn.
Việc lấy ý kiến được thực hiện thông qua 3 hình thức: Lấy ý kiến bằng văn bản; lấy ý kiến thông qua ban soạn thảo, tổ biên tập, ban chỉ đạo, ban nghiên cứu mà đại diện tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động tham gia; lấy ý kiến của tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động thông qua các cuộc họp, hội thảo, diễn đàn, hội nghị tham vấn.
Nghị định nêu rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải lấy ý kiến của tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về lao động. Sau thời hạn lấy ý kiến, cơ quan quản lý nhà nước phải tổng hợp; báo cáo tiếp thu, giải trình, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.
Ngoài ra, nghị định cũng quy định cụ thể trách nhiệm tham gia ý kiến của Tổng LĐLĐ Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương khi cơ quan quản lý nhà nước có yêu cầu.
Bình luận (0)