Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 của Quốc hội (QH) khóa XIV, Ủy ban Các vấn đề xã hội QH đã tổ chức phiên họp toàn thể lần 6 tại TP HCM trong 2 ngày 27 và 28-4. Tại phiên họp này, ủy ban đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH; quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2016.
Chỉ 25% doanh nghiệp đóng BHXH
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết số nợ BHXH bắt buộc năm qua là 6.550 tỉ đồng, bằng 3,64% số phải thu và giảm 510 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2015. Nợ đọng BHXH tập trung ở khu vực ngoài quốc doanh. Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan BHXH đã phát hiện hơn 39.400 trường hợp người lao động (NLĐ) chưa được đóng BHXH hoặc đóng thiếu thời gian; 11.600 NLĐ bị đóng thiếu mức tiền lương theo quy định. Thanh tra cũng thu hồi 62 tỉ đồng nợ BHXH.
Đánh giá cao kết quả đạt được của ngành BHXH song đại biểu Phạm Xuân Thắng nhận định công tác thanh tra BHXH còn nhiều hạn chế, chưa có biện pháp hiệu quả để thu hồi nợ và buộc doanh nghiệp (DN) tham gia BHXH cho NLĐ trong khi DN có muôn vàn cách để trốn đóng BHXH. Bên cạnh đó, số DN tham gia BHXH còn rất thấp, chỉ khoảng 50% số DN có đăng ký kinh doanh và 25% so với số DN thực tế đang hoạt động. Do vậy, cơ quan BHXH cần phải phân tích sâu sắc tình hình đóng BHXH tại các loại hình DN để đề ra giải pháp phù hợp buộc DN tham gia.
“Qua tiếp xúc cử tri và nắm bắt dư luận xã hội cho thấy người dân rất quan tâm đến tính minh bạch trong thu - chi và quản lý quỹ BHXH. Điều này tác động rất lớn đến tâm lý cũng như nhu cầu tham gia của người đóng bởi thực tế Quỹ BHXH được hình thành từ tiền của người tham gia. Cho nên, ngoài việc công khai, minh bạch, nhà nước cần ban hành thêm quy định về điều này để cơ quan BHXH thực hiện. Có như vậy mới có thể thu hút thêm nhiều đối tượng tham gia BHXH” - ông Thắng nhấn mạnh.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội QH, cũng nhìn nhận việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, độ bao phủ chưa cao nên việc phát triển đối tượng còn cách xa mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, tổ chức, bộ máy nhân sự thanh tra yếu cả về số lượng lẫn chất lượng, công tác điều hành “có vấn đề” nên thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra BHXH chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. Cơ quan BHXH cũng chưa đề ra được giải pháp cụ thể để giải quyết tình hình nợ đọng BHXH tại các DN vắng chủ. Ngoài ra, tổ chức Công đoàn (CĐ) chưa phát huy hết vai trò đại diện trong việc thực hiện chức năng khởi kiện…
Để thực hiện tốt chính sách, chế độ BHXH và quản lý, sử dụng quỹ BHXH hiệu quả, theo ông Lợi, thời gian tới bên cạnh việc ban hành chính sách hỗ trợ đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, Chính phủ cần sớm ban hành các giải pháp xử lý nợ đọng BHXH; sớm thu hồi khoản tiền hơn 100.000 tỉ đồng nhà nước nợ quỹ BHXH (để giải quyết chế độ cho người lao động trước năm 1995) và các khoản nợ từ đầu tư quỹ. Song song đó, cần phối hợp chặt chẽ với tổ chức CĐ trong việc khởi kiện DN nợ BHXH; thực hiện chi phí quản lý hợp lý, đồng thời tăng cường hiệu quả công tác đầu tư quỹ BHXH để bảo đảm an toàn và tăng trưởng tốt.
“Chúng tôi đang chờ TAND Tối cao...”
Về vấn đề CĐ khởi kiện DN nợ BHXH, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, chia sẻ: Kể từ khi được giao chức năng khởi kiện, CĐ cũng đã quyết liệt thực hiện, song không thể làm được. “Chúng tôi đã gửi 77 bộ hồ sơ khởi kiện sang tòa án nhưng bị trả về 70 bộ, còn 7 bộ hồ sơ chưa nhận được phản hồi từ tòa. Về lý do trả hồ sơ, TAND Tối cao trả lời rằng theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự, CĐ không có quyền khởi kiện về BHXH nên tòa không thể thụ lý. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã báo cáo với Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. “Chúng tôi đang chờ trả lời của TAND Tối cao với Ban Bí thư để có hướng xử lý tiếp theo. Như vậy, “quả bóng” khởi kiện đang nằm trong “chân” của tòa án chứ không phải ở tổ chức CĐ” - ông Chính khẳng định.
Bình luận (0)