Báo cáo kết quả xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết tổ chức Công đoàn (CĐ) Việt Nam gồm 63 LĐLĐ tỉnh, TP trực thuộc trung ương; 20 CĐ ngành trung ương; với 1.200 CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở, trong đó có 50 CĐ các KCN; hơn 126.000 CĐ cơ sở với hơn 10 triệu đoàn viên. Quá trình tổ chức, triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành và các đoàn thể ở địa phương quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Qua 3 năm thực hiện Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở", các cấp CĐ đã tham gia với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) xây dựng 40.119 quy chế mới; sửa đổi, bổ sung 70.952 quy chế thực hiện dân chủ cơ sở; ký được gần 65.000 thỏa ước lao động tập thể.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc
Về tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, CĐ đã tham gia với DN tổ chức hơn 82.000 cuộc đối thoại định kỳ 3 tháng/lần và hơn 9.000 cuộc đối thoại đột xuất. Các địa phương thực hiện tốt gồm: TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Ninh. Từ năm 2016 đến nay có bình quân 99% số cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức hội nghị cán bộ - công chức - viên chức; 59% DN có tổ chức CĐ tổ chức hội nghị người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng nhìn nhận ở một số cơ quan, đơn vị, DN đã thành lập tổ chức CĐ, việc tổ chức hội nghị cán bộ - công chức, hội nghị NLĐ vẫn còn hình thức. Nhiều DN khu vực ngoài nhà nước chưa xây dựng được QCDC cơ sở.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những kết quả mà tổ chức CĐ Việt Nam đã đạt được; nhờ tiếng nói của tổ chức CĐ, việc thực hiện QCDC cơ sở ở các cơ quan, đơn vị đã tốt hơn. Theo Phó Thủ tướng, tổ chức CĐ đã có những đổi mới mạnh mẽ, tuy nhiên cần phải phát huy hơn nữa để đem lại lợi ích thiết thân cho đoàn viên, NLĐ.
Bình luận (0)