Nêu thực trạng về việc phát triển Đảng trong CN hiện nay, nhiều đại biểu cho rằng trở ngại lớn nhất là trình độ của lực lượng CN không đồng đều, điều kiện để học tập, bồi dưỡng về chính trị còn hạn chế. Mặt khác, không ít chi bộ Đảng trong doanh nghiệp (DN) chưa thể hiện được vai trò hạt nhân, lãnh đạo, trong khi một bộ phận người sử dụng lao động không hiểu được lợi ích của việc phát triển tổ chức Đảng nên không tạo điều kiện cho chi bộ sinh hoạt.
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn tại cơ sở, tất cả đại biểu đều thống nhất rằng ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho CN thì các cấp ủy Đảng và CĐ cấp trên phải tác động đến chủ DN, giúp họ hiểu được vị trí, nhất là vai trò của tổ chức Đảng, trong việc hỗ trợ DN phát triển, giáo dục CN nâng cao ý thức trách nhiệm khi lao động.
Tại TP HCM, nhiều giải pháp được cấp ủy Đảng và các cấp CĐ triển khai đã mang lại hiệu quả, như: chương trình tạo nguồn cán bộ quản lý xuất thân từ CN, tuyên dương “Gương sáng đảng viên” hằng năm, phát triển Đảng tại KCX-KCN TP, bố trí đảng viên là cán bộ CĐ chuyên trách tại các DN đông lao động, đa dạng hình thức tuyên truyền, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho CN... Tại những DN chưa có tổ chức Đảng, CĐ cấp trên có trách nhiệm bồi dưỡng để CN phấn đấu vào Đảng, đồng thời tham mưu và tạo điều kiện để đảng viên của DN đó được sinh hoạt ghép. Năm 2014, LĐLĐ TP HCM đã giới thiệu 12.470 đoàn viên ưu tú, trong đó 3.089 người được kết nạp Đảng.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh: Phát triển Đảng cũng là trách nhiệm của CĐ bên cạnh việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi CNVC-LĐ. Do đó, để phát triển Đảng ở cơ sở, đối tượng phát triển đảng viên đầu tiên là cán bộ CĐ, góp phần khẳng định vai trò lãnh đạo tiên phong. Bên cạnh đó, CĐ phải giáo dục CN, giúp họ hiểu rằng vào Đảng là cơ hội để phấn đấu, rèn luyện về nhận thức chính trị, đạo đức, nêu cao ý thức trách nhiệm trong công việc.
Bình luận (0)