“Chúng tôi và gia đình đang ở trên đất nước các bạn, chúng tôi yêu quý công ty này, yêu người Việt Nam và luôn muốn công ty tồn tại và phát triển. Dù rất buồn nhưng chúng tôi buộc phải thông báo rằng công ty không thể tiếp tục duy trì hoạt động. Tuy vậy, chúng tôi rất mong các bạn công nhân (CN) hoàn tất những công việc tồn đọng để dù cho công ty không tồn tại nữa, Alta Mode vẫn ở trong lòng chúng tôi và các bạn” - bà Ana Marie C. Yuson, Giám đốc Công ty TNHH Alta Mode Việt Nam (quận 9, TP HCM), kêu gọi khi thông báo giải thể doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, lời kêu gọi ấy đã không được đáp lại bởi CN chỉ biết về nó sau khi cuộc ngừng việc tập thể diễn ra.
Thiếu sự thông hiểu và tin tưởng
Cùng với lời kêu gọi, trong buổi họp với các cán bộ chủ chốt của công ty trước khi thông báo giải thể, bà Ana Marie C. Yuson chia sẻ: “Thời gian qua, công ty gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng và khách hàng mới. Kể từ tháng 6-2014, công ty không nhận được đơn đặt hàng nào từ nước ngoài nên để tạo công ăn việc làm cho CN và duy trì sản xuất, công ty đã cố gắng tìm kiếm các đơn hàng trong nước. Dù vậy, thu nhập từ gia công hàng trong nước không đủ để trả chi phí do giá thấp và số lượng không nhiều. Không thể gồng mình chịu lỗ thêm nữa, công ty đành phải đóng cửa”.
Thực tế là vậy nhưng bà Ana Marie C. Yuson chưa lần nào bày tỏ với CN ngay cả khi cuộc ngừng việc đã xảy ra. Vì vậy, khi công ty tuyên bố giải thể vì thua lỗ và thiếu đơn hàng, CN rất ngỡ ngàng. Chỉ khi biên bản cuộc họp được công khai, mọi việc mới rõ ràng. Một CN bộc bạch: “Những khó khăn sâu xa đó nếu công ty không nói ra thì làm sao chúng tôi biết được. Giá như công ty chịu mở lòng và chia sẻ khó khăn với chúng tôi sớm hơn thì có lẽ sự việc đã khác”.
Tương tự, năm 2014, đơn hàng của Công ty TNHH C.S (huyện Củ Chi, TP HCM) liên tục giảm và đến thời điểm này, con số lỗ tích lũy đã là 1 triệu USD trong khi bộ máy cồng kềnh, dư thừa lao động, năng suất, sản lượng thấp, nội bộ bất ổn... Để thoát khỏi bờ vực phá sản, công ty buộc phải cắt giảm 40% nhân lực để tái cơ cấu, đồng thời quy định chỉ tiêu năng suất mới nhằm tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, thay vì nghiên cứu và định ra định mức hợp lý, công ty lại lấy mức năng suất cao nhất của CN để áp đặt dẫn đến CN ngừng việc phản đối. Lúc này, lãnh đạo công ty mới vỡ lẽ: Nếu không có sự đồng thuận của người lao động thì càng theo đuổi định hướng thay đổi càng gặp những vấn đề phức tạp hơn!
Cố chấp gây tranh chấp
Thực tế cho thấy tranh chấp lao động tập thể hay cá nhân đều gây bất ổn và thiệt hại cho DN. Để hạn chế thiệt hại và phiền hà cho cả DN và người lao động, các cuộc tranh chấp nên kết thúc ở vòng đàm phán, thương lượng. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng đồng tình với quan điểm đó. Thậm chí, nhiều DN đã nhận ra cái sai của mình nhưng vẫn cố chấp không chịu khắc phục khiến tranh chấp kéo dài. Cách đây không lâu, ông Hán Hữu Hải, Giám đốc Công ty TNHH H.W (quận 1, TP HCM), từng thừa nhận đã chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với anh Ngô Phương Lân. Thế nhưng, khi đề cập việc bồi thường thì ông Hải lại bảo: “Công ty không dư tiền để làm việc đó”.
Hay như tại Công ty TNHH V.V, dù phát hiện sai sót sau khi xử lý kỷ luật sa thải anh Vũ Hồ Thanh Hải nhưng ông Thái Minh Nam, phó giám đốc công ty, vẫn khăng khăng: “Cứ để cơ quan có thẩm quyền phán xét”.
Những sự việc trên cho thấy đằng sau tranh chấp là sự cố chấp của phía đã gây ra sai phạm. Việc này chỉ càng làm cho hình ảnh của DN xấu đi trong mắt NLĐ lẫn cơ quan chức năng. Mới đây, một DN ở huyện Hóc Môn, TP HCM đã bị đối tác cắt toàn bộ đơn hàng sau khi việc vi phạm pháp luật lao động của công ty bị đưa lên mặt báo. Còn tại Công ty TNHH C.S, sau khi sa thải NLĐ trái pháp luật, lãnh đạo công ty mới thấm thía vì tuần nào cũng phải dành thời gian soạn thảo văn bản, gặp gỡ các cơ quan chức năng để giải quyết tranh chấp. “Chúng tôi đã phải gác công việc quan trọng của công ty trong nhiều ngày và tốn nhiều công sức để giải quyết vụ việc. Nếu biết trước rắc rối thế này, chúng tôi đã làm mọi việc theo đúng trình tự pháp luật” - đại diện công ty chia sẻ.
Bình luận (0)