Theo đó, Thông tư này quy định chế độ làm việc của nhà giáo giảng dạy trong các trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp công lập, tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài (cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp); áp dụng đối với nhà giáo, công chức, viên chức quản lý tham gia giảng dạy trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.
Theo quy định, thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ: 1 giờ dạy lý thuyết là 45 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn; 1 giờ dạy tích hợp (kết hợp cả lý thuyết và thực hành) là 45 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn; 1 giờ dạy thực hành là 60 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn.
Lớp học lý thuyết không quá 35 học sinh, sinh viên. Lớp học thực hành không quá 18 học sinh, sinh viên đối với nghề bình thường; không quá 10 học sinh, sinh viên đối với nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (theo Danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành).
Thông tư cũng quy định, thời gian làm việc của giáo viên dạy cao đẳng nghề, trung cấp nghề là 44 tuần/năm học, trong đó, giảng dạy và giáo dục học sinh, sinh viên 32 tuần đối với giáo viên dạy cao đẳng nghề; 36 tuần đối với giáo viên dạy trung cấp nghề...
Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên là 8 tuần, bao gồm: nghỉ hè, nghỉ Tết, nghỉ các ngày lễ. Giáo viên hoàn thành nhiệm vụ được giao được nghỉ 8 tuần. Giáo viên, cán bộ làm công tác quản lý học sinh, sinh viên được nghỉ như giáo viên. Cán bộ quản lý có tham gia giảng dạy, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và tiêu chuẩn giờ giảng được nghỉ 6 tuần. Định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm học: Từ 380 đến 450 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng; Từ 430 đến 510 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp; Từ 500 đến 580 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp.
Hiệu trưởng, giám đốc cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm của từng mô-đun, trình độ và kinh nghiệm giảng dạy của nhà giáo để quyết định định mức giờ giảng cho phù hợp trong năm học.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2017 và bãi bỏ Mục II Thông tư số 09/2008/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chế độ làm việc của giáo viên dạy nghề và Chương III của Thông tư số 40/2015/TT-BLĐTBXH quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và chế độ làm việc của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Bình luận (0)