Người dân khám chữa bệnh tại TP HCM
Ông Ánh cho biết do điều chỉnh giá viện phí nên những năm qua, quỹ BHYT liên tục bội chi, số tiền 39.000 tỉ đồng là quỹ dự phòng KCB BHYT tồn tích qua nhiều năm sau khi triển khai thực hiện Luật BHYT. Theo quy định tại Luật BHYT, phải "dành tối thiểu 5% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng" và nguồn quỹ này được duy trì để bảo đảm tính bền vững của chính sách BHYT, bảo đảm khả năng chi trả trước những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề có thể phát sinh. Thời gian qua, nguồn quỹ này đã được huy động bù đắp bội chi quỹ KCB khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng theo lộ trình tính đúng, tính đủ trong khi mức đóng BHYT chưa tăng. "Từ nay đến năm 2020, mức đóng BHYT vẫn được duy trì như hiện nay. Nếu chi phí KCB không được kiểm soát tốt và quỹ dự phòng BHYT không còn đủ sẽ phải điều chỉnh tăng mức đóng BHYT. Điều này sẽ tác động đến thu nhập của người dân, khả năng của doanh nghiệp, cân đối của ngân sách nhà nước. Những năm qua, chi phí KCB liên tục tăng. Riêng năm 2017, số chi KCB cho 170 triệu lượt người vào khoảng 90.000 tỉ đồng" - ông Ánh nói.
Cũng theo ông Ánh, hiện mệnh giá thẻ BHYT của Việt Nam ở mức bình quân 40 USD/người trong khi danh mục thuốc BHYT của Việt Nam có hơn 1.000 loại, cao hơn nhiều nước trong khu vực. Ngoài ra, hàng ngàn dịch vụ kỹ thuật, trong đó rất nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn đang được Quỹ BHYT thanh toán.
Bình luận (0)