Những ngày cuối năm 2017, Công ty CP Tập đoàn Mai Linh đã trả hết số nợ BHXH gần 45 tỉ đồng. Ngoài số nợ đã thanh toán kể trên, các đơn vị thành viên của công ty này vẫn còn đang nợ BHXH khoảng 80 tỉ đồng. Số tiền này được phía Mai Linh cam kết với BHXH TP HCM sẽ thanh toán vào năm 2018.
Tác động tích cực của luật
Việc Công ty CP Tập đoàn Mai Linh trả nợ BHXH được xem là một sự chuyển biến tốt về việc khắc phục nợ của các doanh nghiệp (DN) nợ BHXH kéo dài nhờ tác động của Bộ Luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018), bởi trước đó, cơ quan BHXH gần như bó tay với việc thu hồi nợ tại công ty này. Từ đầu năm 2012, Mai Linh bắt đầu nợ BHXH và cuối năm đó bị BHXH quận 7, TP HCM khởi kiện đòi nợ 33 tỉ đồng. Tại bản án sơ thẩm, TAND quận 7 buộc 5 DN thuộc tập đoàn này phải trả hơn 52 tỉ đồng. Ngoài ra, đầu năm 2013, hai DN khác của Mai Linh tại quận Gò Vấp cũng bị tòa xử buộc đóng hơn 12 tỉ đồng BHXH.
Công nhân tại một công ty phản ứng công ty nợ BHXH
Ngay sau khi có bản án của tòa, cơ quan BHXH các quận 7, Gò Vấp đã khẩn trương đề nghị thi hành án nhưng công ty tìm đủ mọi cách để né tránh. Đồng thời, cơ quan thi hành án cũng chịu thua khi xác minh các tài khoản của Mai Linh đều rỗng. Tính đến tháng 11-2017, tổng số nợ và lãi BHXH của Công ty CP Tập đoàn Mai Linh và các đơn vị thành viên đã lên đến 125 tỉ đồng. Đến giữa năm 2017, Công ty CP Tập đoàn Mai Linh chủ động liên hệ với BHXH TP đề xuất phương án vay tiền ngân hàng trả nợ BHXH và tháng 11-2017 bắt đầu chuyển trả 25,2 tỉ đồng nợ BHXH; tháng 12-2017, đơn vị này thanh toán tiếp 19,4 tỉ đồng.
Một DN khác cũng tiến hành khắc phục nợ BHXH kéo dài trước thời điểm có thể bị xử lý hình sự là Trường THPT Quốc tế Mỹ (thuộc Công ty CP Quản trị Tài nguyên Tri Thức; huyện Nhà Bè, TP HCM). Theo Phòng Khai thác và Thu nợ BHXH TP, đơn vị này cũng nợ BHXH kéo dài và bị khởi kiện nhưng chây ì không khắc phục. Năm 2017, BHXH TP tiếp tục thanh tra; sau thanh tra, DN đã chuyển trả 4 tỉ đồng và đến ngày 29-12-2017, trả tiếp 1,9 tỉ đồng còn lại.
Nợ BHXH giảm hơn 14%
Theo quy định tại điều 216 Bộ Luật Hình sự năm 2015, từ ngày 1-1-2018, tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tùy mức độ vi phạm. Nhận định về quy định này, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, nói: "Trước đây, việc xử lý các đơn vị chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính nên chưa đủ sức răn đe. Tuy nhiên, từ năm 2018 trở đi, hành vi nêu trên sẽ bị xử lý hình sự. Quy định mới này sẽ tác động mạnh đến các đơn vị vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT, buộc các DN phải tự giác, chủ động thực hiện tốt nghĩa vụ, hạn chế tối đa tình trạng chây ì, trốn đóng BHXH như hiện nay. Thực tế cho thấy quy định này đã phát huy tác dụng".
Cũng theo bà Thu, năm 2017, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tại TP HCM là gần 1.971 tỉ đồng, giảm 14,1% so với năm 2016. Để có được kết quả đó, bên cạnh tác động của Bộ Luật Hình sự, BHXH TP đã tiến hành nhiều biện pháp xử lý nợ tích cực. Cụ thể, đối với DN nợ dưới 3 tháng, BHXH trực tiếp đôn đốc, đối chiếu thu nợ; gửi thư thông báo công nợ đến giám đốc đơn vị và cảnh báo mức lãi phạt chậm nộp theo quy định. Tính đến ngày 31-12-2017, BHXH TP đã chuyển thông báo nhắc nợ đến 17.728 đơn vị với số tiền nợ là 1.618 tỉ đồng, trong đó có 10.847 đơn vị khắc phục nợ với số tiền là 952 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 85,82%).
Đối với DN nợ từ 3 tháng trở lên, BHXH TP lập danh sách chuyển cho Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trên cơ sở đó, Thanh tra sở gửi văn bản nhắc nhở, đồng thời tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm. Giải pháp này đã buộc các đơn vị phải khắc phục số nợ là 262/436 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 60,14%). Ngoài ra, hiệu quả phát huy từ công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành BHXH; đăng tải danh tính các đơn vị nợ trên trang web của BHXH TP; lập danh sách các đơn vị nợ từ 100 triệu đồng trở lên chuyển sang cơ quan thuế để làm căn cứ không giải quyết khấu trừ chi phí DN… cũng góp phần khắc phục được khoản nợ BHXH gần 1.100 tỉ đồng.
Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra
Theo bà Nguyễn Thị Thu, năm 2018, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị đang vi phạm, BHXH TP sẽ chuyển hồ sơ những DN cố tình chây ì khắc phục nợ BHXH sang cơ quan điều tra để hình sự hóa tội danh này. Bên cạnh đó, BHXH TP cũng tham mưu cho UBND TP ban hành văn bản chỉ đạo phòng ngừa vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực BHXH. Văn bản này có sự góp ý của 3 cơ quan: Công an TP, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Song song đó, BHXH TP cũng phối hợp với Công an TP trong việc trao đổi thông tin các đơn vị sử dụng lao động còn nợ, trốn đóng để kịp thời phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm này.
Bình luận (0)