Ngày 8-12 vừa qua, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự luật mới về việc tiếp nhận người lao động (NLĐ) nước ngoài. Đây là nỗ lực của chính phủ Nhật Bản nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động kéo dài tại nước này.
Cơ hội lập thân, lập nghiệp
Với việc áp dụng luật mới này, chính phủ Nhật Bản dự định tiếp nhận số lao động nước ngoài lên tới 345.000 người, thuộc các ngành xây dựng, dịch vụ thực phẩm, điều dưỡng và một số lĩnh vực khác trong 5 năm.
Luật mới sẽ được áp dụng từ tháng 4-2019 cho phép công dân nước ngoài có kỹ năng, trình độ trong các lĩnh vực thiếu hụt lao động ở Nhật được cấp thị thực 5 năm, không được phép mang theo gia đình. Lao động trong những lĩnh vực trên nếu có bằng cấp cao và vượt qua được bài kiểm tra tiếng Nhật cấp độ khó, có thể sẽ được cấp thị thực vô thời hạn, tức có khả năng được định cư và đưa gia đình sang sống cùng. Ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, người được Quốc hội Nhật Bản mời phát biểu chia sẻ về dự luật mới cho biết việc Nhật Bản áp dụng luật mới sẽ mở ra cho thực tập sinh (TTS) Việt Nam nhiều cơ hội lập thân, lập nghiệp trong thời gian tới. "Sự phát triển của nền công nghiệp Nhật Bản đa phần dựa trên nền tảng của 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). DNNVV chính là xương sống của cả ngành công nghiệp phát triển nhưng ở Việt Nam thì loại hình DN này còn thiếu và yếu. Do đó, với 5 năm tu nghiệp tại Nhật, các TTS chính là nguồn nhân lực chất lượng cao giúp phát triển những DNNVV, phát triển nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam" - ông Sơn nói.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, luật mới này cũng sẽ là cơ hội để các bạn đã tham gia chương trình TTS 3 năm, 5 năm có thêm cơ hội để tiếp tục được nâng cao trình độ tiếng Nhật, tay nghề, kỹ năng tại Nhật Bản. Sau 8 đến 10 năm làm việc liên tục tại Nhật thì các TTS này sẽ trở thành những nhân sự có phong cách làm việc và chuyên môn tương đương người Nhật. Nguồn nhân sự này khi trở về Việt Nam có khả năng đóng góp rất lớn cho sự phát triển của Việt Nam và cả việc kết nối đầu tư giữa hai nước.
Trong tương lai, chương trình hợp tác giữa hai nước không chỉ đơn thuần là chương trình tiếp nhận lao động mà sẽ còn là cầu nối góp phần phát triển thịnh vượng hai quốc gia. "Dự luật mới ưu tiên 3 ngành chính này rất phù hợp với lao động Việt Nam do đã chứng minh hiệu quả trong quá trình thực hiện chương IM Japan nhiều năm qua. Cơ hội lớn cũng đi kèm thách thức lớn hơn cho NLĐ nếu họ không ý thức được cơ hội của mình" - ông Trần Tiến Duy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhật Huy Khang, bày tỏ. Ông Duy cũng cho biết những DN làm trong lĩnh vực phái cử lao động sang Nhật Bản rất vui mừng bởi chính sách thông thoáng của Nhật Bản. Thời gian tới, các công ty sẽ tăng cường tuyển dụng để bắt đầu thực hiện luật mới bởi chính phủ Nhật đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện luật mới này.
Với luật mới của Nhật Bản, các thực tập sinh Việt Nam sang nước này tu nghiệp có thêm nhiều cơ hội lập thân
Phải nâng chất lao động
Ông Trần Anh Quang Thanh, Giám đốc chi nhánh PITSCO tại TP HCM, cho biết chương trình thường trú mới nằm trong luật mới sẽ dành cho nhóm lao động có kỹ năng đặc định, là những người có kinh nghiệm, kỹ năng được chính phủ Nhật Bản công nhận. Sắp tới, các hiệp hội, ban ngành của từng lĩnh vực có liên quan của Nhật sẽ thiết kế ra một tiêu chuẩn để phù hợp tuyển chọn lao động. "Tuy nhiên, nếu không làm tốt việc tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi sang Nhật, TTS sẽ khó được như kỳ vọng, khó nằm trong nhóm lao động kỹ năng đặc định", ông Thanh lo ngại trong bối cảnh nhiều DN phái cử đang chạy đua số lượng mà chưa đầu tư cho chất lượng.
Theo ông Thanh, phải tuyển chọn những lao động có ý thức học tập, làm việc cao, có tay nghề chuyên môn và phải có trình độ tiếng Nhật. Phải đào tạo cho họ văn hóa làm việc coi trọng sự lâu dài và uy tín của người Nhật. Có như vậy họ mới hiểu được giá trị của mình, tránh được tình trạng nhảy việc hoặc bị lôi kéo bởi các phần tử xấu. Nếu điều này được thực hiện tốt thì chính các DN Nhật Bản sẽ không gặp khó khăn về nhân sự và bản thân các DN cũng sẽ có những điều chỉnh về chế độ đãi ngộ phù hợp để tuyển dụng và giữ chân được những nhân sự có năng lực. "Để thực hiện tốt luật mới của Nhật Bản, tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam tiếp tục kiểm soát và lựa chọn các DN uy tín để tham gia phái cử lao động sang Nhật Bản làm việc theo chương trình mới. Có như vậy mới phát huy được hết những giá trị lao động của NLĐ Việt Nam trên trường quốc tế" - ông Thanh nhấn mạnh.
Nhiều thuận lợi cho lao động Việt
Đó là chia sẻ của ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ông Hương cho biết luật mới có 2 trường hợp được gọi là "kỹ năng đặc biệt số 1" và "kỹ năng đặc biệt số 2". Với tư cách "kỹ năng đặc biệt số 1", giới hạn thời gian làm việc là 5 năm và không được bảo lãnh gia đình. Tuy nhiên, với tư cách "kỹ năng đặc biệt số 2", người lao động có thể ở lại làm việc lâu dài và bảo lãnh gia đình cùng sang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.
Việc phía Nhật mở rộng chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài, theo ông Hương là sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nước phái cử người lao động đến Nhật Bản.
Bình luận (0)