Nhật Bản luôn được biết đến là quốc gia có tỉ lệ dân số già hàng đầu thế giới. Đặc biệt, hầu hết người cao tuổi ở Nhật đều sống riêng, không sống chung với con cái. Do đó, nhân lực điều dưỡng, hộ lý chăm sóc cho người cao tuổi ở Nhật Bản luôn trong tình trạng khan hiếm. Theo số liệu nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đến năm 2025, dự kiến số lao động thiếu hụt trong ngành điều dưỡng lên đến 300.000 người, mỗi năm Nhật Bản sẽ tiếp nhận tới 60.000 người chăm sóc trong bệnh viện, trung tâm y tế, viện dưỡng lão. Chính phủ Nhật Bản xem điều dưỡng là ngành trọng tâm thu hút nhân lực từ bên ngoài.
Công việc ý nghĩa
Nhiều người thắc mắc về công việc, cuộc sống của điều dưỡng viên, hộ lý viên - thường được gọi bằng thuật ngữ tại Nhật Bản là kaigo - như thế nào. Ông Trần Văn Khánh, Trưởng Bộ phận Phát triển nguồn nhân lực Công ty TNHH Esuhai (quận Tân Bình, TP HCM), khẳng định kaigo tại Nhật là những người chăm chỉ, có trách nhiệm và thái độ làm việc tốt. Một khi đã lựa chọn làm kaigo tại Nhật Bản, người lao động (NLĐ) phải thực sự yêu thích nó.
Tại Nhật Bản, kaigo là một chuyên ngành giáo dục chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi một cách toàn diện. Kaigo chính là những người đảm nhiệm công việc chăm sóc người cao tuổi một cách toàn diện bao gồm sức khỏe và đời sống, cả những hoạt động vệ sinh hằng ngày. Đa số kaigo người nước ngoài làm việc trong viện dưỡng lão hoặc các khu chăm sóc người già (trong bệnh viện lớn). Nếu bác sĩ là người chuyên điều trị bệnh tật thì kaigo chính là người chuyên chăm sóc. Mỗi công việc đều có khó khăn của nó và ngành điều dưỡng cũng vậy. Tuy nhiên, kaigo là công việc có ý nghĩa và được tôn trọng bậc nhất tại Nhật Bản - quốc gia kính trọng người cao tuổi. Công việc này cũng giúp mọi người gắn kết với nhau hơn, khiến cuộc sống của kaigo trở nên ý nghĩa hơn và mang nhiều giá trị nhân văn trong đời sống xã hội.
Học viên kaigo tại một buổi huấn luyện nghiệp vụ do Công ty CP Xúc tiến đầu tư MH Việt Nam tổ chức
"Những ai đang có ý định tham gia các đơn hàng điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản thì hoàn toàn yên tâm bởi khi đến Nhật Bản, các bạn sẽ được đào tạo các kỹ thuật để giảm bớt gánh nặng công việc và được làm việc trong môi trường có đầy đủ trang thiết bị, máy móc hiện đại hỗ trợ. Bạn sẽ học được nhiều kiến thức để hỗ trợ người già, đồng nghiệp... một cách tốt nhất mà ít ảnh hưởng sức khỏe bản thân" - ông Khánh nói.
Hiện là kaigo đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, Nguyễn Đặng Mỹ Hằng (25 tuổi, quê Vĩnh Long) cho biết khác với Việt Nam, công việc điều dưỡng bao gồm cả tiêm chích thuốc, xử lý vết thương thì ở Nhật, kaigo chỉ chăm sóc những nhu cầu cơ bản hằng ngày của người già như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cá nhân… "Thời gian biểu sinh hoạt của các cụ già Nhật Bản bắt đầu từ 6 giờ 30 phút đến 19 giờ hằng ngày. Công việc chủ yếu của kaigo như mình là chăm sóc giấc ngủ, vệ sinh cá nhân (thay quần áo, tắm rửa, bài tiết, răng miệng, cắt móng tay…), ăn uống và một số hoạt động giải trí nhẹ" - Hằng thông tin.
Tương lai rộng mở
Theo ông Huỳnh Ngọc Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhân lực Quốc tế Sovilaco (quận Tân Bình, TP HCM), là một công việc mang ý nghĩa nhân văn, nghề kaigo còn mang lại nhiều lợi ích tốt về kinh tế.
Khi tham gia chương trình thực tập sinh kaigo, NLĐ được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, tác phong và tiếng Nhật đạt trình độ N4, N3. Hơn hết, với mức lương cơ bản khoảng 34 triệu đồng/tháng cũng có thể xem đây là công việc có thu nhập nhỉnh hơn so với những ngành nghề khác, còn được hỗ trợ về đi lại, chỗ ở. Đặc biệt, khi kaigo thi và lấy được chứng chỉ hành nghề quốc gia của Nhật thì mức thu nhập hằng tháng có thể lên đến 60 triệu đồng và được phép làm việc, sinh sống dài hạn tại Nhật, đưa người thân sang cùng sinh sống. Đặc biệt, con đường làm việc trong tương lai cũng sẽ rộng mở hơn khi người tham gia có thể xin gia hạn 2 năm hoặc tham gia chương trình kỹ năng đặc định 5 năm để có cơ hội làm việc lâu dài tại Nhật. NLĐ cũng có thể dùng kinh nghiệm, chuyên môn, tài chính đã tích lũy được trở về Việt Nam tự mở trung tâm hoặc làm việc tự do liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người tàn tật… hay vào các cơ sở y tế khác để làm việc.
Hiện nay, điều luật tuyển dụng ở Nhật Bản cho ngành điều dưỡng, hộ lý có sự thay đổi, chúng ta có nhiều con đường để đến và thành công với nghề kaigo. Đầu tiên, NLĐ bắt đầu với công việc chăm sóc tại viện dưỡng lão 3 năm, đủ điều kiện để thi chứng chỉ hộ lý quốc gia của Nhật. Thi và đậu chứng chỉ hộ lý quốc gia sẽ rộng thêm cánh cửa sự nghiệp cho NLĐ. "Quyền lực" của chứng chỉ quốc gia ngành hộ lý rất lớn, NLĐ có thể xin được việc ở bất cứ nơi nào tại Nhật, từ thành thị đến nông thôn, vì tình trạng thiếu nhân lực ngành này. Nếu muốn, NLĐ cũng như có thể chuyển việc từ nơi này sang nơi khác. Việc xin visa hoặc gia hạn visa khi có chứng chỉ này cũng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nói chung, khi có chứng chỉ này trong tay thì NLĐ muốn ở Nhật bao lâu cũng được, miễn là không vi phạm pháp luật nước sở tại.
Cơ hội nâng cao kỹ năng nghề
"Sang Nhật, NLĐ có cơ hội kiếm tiền và mở rộng sự nghiệp. Tuy nhiên, mục tiêu lớn khi đi làm việc tại Nhật Bản không chỉ để kiếm tiền, giải quyết việc làm mà đây sẽ là môi trường tuyệt vời để NLĐ học nghề, học ngoại ngữ, học các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, học cách trưởng thành... Khi trở về nước, NLĐ có thể tự xây dựng cho mình một sự nghiệp riêng, một tương lai tươi sáng hơn" - ông Huỳnh Ngọc Thông nhắn nhủ.
Bình luận (0)