Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, cho biết tính đến ngày 15-11, trên địa bàn TP HCM đã xảy ra 13 vụ lao động ngừng việc tập thể với 5.966 người tham gia. Các cuộc tranh chấp lao động tập thể dẫn đến ngừng việc tập thể xảy ra trên địa bàn TP chủ yếu phát sinh từ việc người sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm túc đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động như trả lương không đúng hạn, không đóng BHXH, nợ BHXH, không chốt sổ BHXH, không chi thưởng Tết theo thỏa thuận…
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, lắng nghe ý kiến cấp ủy TP Thủ Đức, quận, huyện
Trong quý III-2023, do ảnh hưởng của lạm phát, xung đột giữa Nga - Ukraine, giá cả nhiên liệu, một số mặt hàng tăng, tổng cầu của thế giới giảm, một số nhãn hàng hủy hợp đồng, giảm đơn hàng, dẫn đến nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước không có đơn hàng mới hoặc giảm đơn hàng nhất là ngành chế biến gỗ, da, giầy, dệt, may... Các nguyên nhân này dẫn tới DN buộc phải giảm giờ làm, không tăng ca, cho công nhân (CN) nghỉ việc luân phiên, ứng phép năm năm 2023, tạm hoãn hợp đồng lao động chờ đơn hàng, chấm dứt hợp đồng lao động. Đến nay, trên địa bàn TP đã có 155 DN với 50.157 người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng, thu nhập của NLĐ bị giảm sâu. Nhiều DN khó khăn, dự báo Tết năm nay, có những DN sẽ không có tiền thưởng Tết, lương tháng 13...
"Tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT trên địa bàn TP vẫn diễn ra trên diện rộng. Theo báo cáo của BHXH TP, số đơn vị nợ từ một tháng trở lên là 48.699 đơn vị, chiếm 47,47%, cũng ảnh hưởng đến NLĐ khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động sẽ không chốt sổ BHXH được cho NLĐ. Do đó, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP từ nay cho đến hết quý I-2023 tiềm ẩn nhiều phức tạp"- ông Tâm cho hay.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, thông tin tại hội nghị
Còn bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng Ban Dân vận quận ủy quận Bình Tân, TP HCM, cho biết dự báo tình hình quan hệ lao động từ đây đến cuối năm rất phức tạp. Liên quan đến chậm trả lương quận ủy có thể thương lượng nhưng nợ BHXH liên quan đến quyền, lợi ích của NLĐ rất khó. Nếu không can thiệp kịp thời, tình hình này ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của NLĐ.
Trước vấn đề này, Tổ công tác quận Bình Tân làm việc với từng đơn vị để chăm lo cho NLĐ mất việc, CN tại các DN không trả lương, thưởng Tết. Song song đó, quận phát huy thông tin từ lực lượng chính trị nồng cốt, từ CLB chủ nhà để nắm bắt tình hình.
Đại biểu phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP, chỉ đạo các đơn vị từ đảng bộ đến chính quyền, MTTQ, các đoàn thể ở các quận, huyện, TP Thủ Đức phải bám sát tình hình lao động tại DN. Bên cạnh đó, phải chủ động giải quyết các mâu thuẫn khi chưa bùng phát để hạ nhiệt tình hình. Thành ủy, UBND và các sở, ngành phải xác định đây là công việc thường xuyên, định kỳ. Việc hỗ trợ, chăm lo cho NLĐ, người yếu thế là phương thức không thể thay đổi, thể hiện tính ưu việt của TP văn minh, nghĩa tình …
Các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm đến lao động ngành xây dựng và nông sản. Đây là các lĩnh vực ít được chủ DN quan tâm, hỗ trợ, lực lượng lao động dễ bị nghỉ việc. Sở LĐ-TB-XH quan tâm tổ dư luận để nắm tình hình; Chủ động kết nối để giới thiệu việc cho NLĐ. LĐLĐ TP sớm có báo cáo để Thành ủy chỉ đạo các sở, ngành có biện pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn thông qua hệ thống Công đoàn cơ sở. "Công đoàn chủ động nắm bắt tình hình giải quyết các xung đột để chủ DN cảm thấy chúng ta đồng hành với họ. Tổ chức Công đoàn tuyên truyền để NLĐ thấy họ là một bộ phận không thể thiếu để phát triển TP. DN thiếu đơn hàng là bất khả kháng, quy luật khách quan. Các ngành, các cấp cùng nhau hỗ trợ DN và hỗ trợ NLĐ để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trên địa bàn TP" - ông Nguyễn Hồ Hải, lưu ý.
Bình luận (0)