Những năm qua, Công ty TNHH Nam Phương V.N (sản xuất thực phẩm; quận Gò Vấp, TP HCM) luôn được xem là điểm sáng trong quan hệ lao động. Trong những thời điểm khó khăn, ban giám đốc công ty vẫn cố gắng thực hiện đầy đủ những cam kết trong thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với người lao động (NLĐ). Đó cũng là một trong những nguyên nhân giúp công ty luôn có nguồn lao động lành nghề, gắn bó.
Công nhân phải sống được bằng lương
Ưu tiên chăm sóc nguồn nhân lực là chủ trương của lãnh đạo công ty từ khi doanh nghiệp (DN) đi vào hoạt động đến nay. "Môi trường làm việc thân thiện và công nhân (CN) phải sống được bằng lương thì họ mới yên tâm gắn bó lâu dài, cùng với DN phát triển bền vững" - ông Phạm Văn Vỹ, Chủ tịch Công đoàn công ty, khẳng định.
Để hỗ trợ DN cụ thể hóa chủ trương ấy, Công đoàn cơ sở đã chủ động đề xuất ban giám đốc xây dựng nhiều chế độ đãi ngộ cho NLĐ và đưa vào nội dung TƯLĐTT. Nội dung TƯLĐTT của DN luôn được điều chỉnh, bổ sung theo hướng tích cực trên cơ sở tham khảo ý kiến CN, ngày càng có nhiều điều khoản có lợi đưa vào thỏa ước. Tiêu biểu như các nội dung thưởng các chuyên đề năng suất, doanh thu hằng quý, thưởng lương tháng 13; thăm viếng, hiếu hỷ; thăm hỏi nữ đoàn viên, NLĐ nghỉ thai sản; tiền chuyên cần; tiền xăng đi lại, hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ, phụ nữ đơn thân nuôi con... Ngoài ra, ban giám đốc cũng thường xuyên phối hợp với Công đoàn tổ chức các khóa nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn kỹ thuật cho NLĐ như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng bán hàng; kỹ năng thương lượng và đàm phán giá... giúp họ có cơ hội học hỏi, thăng tiến trong nghề nghiệp. "TƯLĐTT là sự cam kết của DN dành cho NLĐ. Cũng chính nhờ có những cam kết được thực hiện một cách nghiêm túc ấy mà NLĐ luôn an tâm, tin tưởng và cống hiến nhiều hơn cho DN" - ông Vỹ nói.
Công nhân Công ty TNHH Nam Phương V.N an tâm làm việc vì luôn được ban giám đốc và Công đoàn quan tâm, chăm sóc
Ông Vỹ dẫn chứng, trong năm 2021, dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng hoạt động của DN nhưng ban giám đốc vẫn cố gắng duy trì các chế độ phúc lợi đã cam kết với NLĐ. Thậm chí, DN còn chăm lo nhiều hơn cho NLĐ trong giai đoạn sản xuất theo phương án "3 tại chỗ". Trong đó, phải kể đến việc DN hỗ trợ mỗi NLĐ làm việc "3 tại chỗ" thêm 1 triệu đồng/ người/tháng và trả lương cơ bản cho CNLĐ trong thời gian điều trị khi bị nhiễm bệnh.
Không dừng lại ở đó, DN còn phối hợp với Công đoàn cơ sở chăm sóc sức khỏe cho CN bằng cách cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca và bổ sung nước uống có vitamin, khoáng chất. Công ty cũng tổ chức các giải thể thao nội bộ để NLĐ rèn luyện sức khỏe sau thời gian làm việc "3 tại chỗ".
Cốt lõi là lợi ích người lao động
Có đến 53 đơn vị trực thuộc với hàng chục ngàn lao động nên những năm qua, Công đoàn Cao su Việt Nam và Tập đoàn Cao su Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc cho NLĐ. Điều đó được thể hiện qua việc ký kết TƯLĐTT ngành giữa Công đoàn ngành và ban lãnh đạo tập đoàn, làm cơ sở cho các đơn vị trong ngành xây dựng TƯLĐTT riêng cho đơn vị mình.
Những năm qua, thỏa ước ngành không ngừng được nâng chất, ngày càng có thêm nhiều nội dung có lợi cho NLĐ. Theo đó, bản TƯLĐTT ngành mới nhất được ký kết trong năm 2021 với nhiều nội dung có lợi hơn so với quy định pháp luật như tổ chức bữa ăn ca với mức chi 20.000 đồng/bữa/người; hỗ trợ NLĐ đặc biệt khó khăn với mức tối thiểu 1 triệu đồng/người; lao động nữ (LĐN) được nghỉ vào dịp Quốc tế Phụ nữ 8-3 (có hưởng lương) và dịp kỷ niệm thành lập Hội LHPN Việt Nam 20-10 (được tính vào thời gian nghỉ phép hằng năm); khuyến khích các đơn vị bố trí cho cán bộ, công nhân, viên chức và lao động được nghỉ vào các ngày lễ kỷ niệm của ngành, kỷ niệm ngày thành lập đơn vị... Theo ông Võ Việt Ngân, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành cao su Việt Nam, trên cơ sở thỏa ước ngành, tập đoàn và Công đoàn ngành cũng khuyến khích các đơn vị xây dựng thỏa ước riêng tại cơ sở với nội dung về quyền lợi, đãi ngộ cao hơn thỏa ước ngành để tạo động lực, giúp NLĐ gắn bó lâu dài với DN.
Tiêu biểu như tại Tổng Công ty cao su Đồng Nai, Công đoàn tổng công ty đã thương lượng xây dựng TƯLĐTT với những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ. Cụ thể là hỗ trợ tiền tàu xe đi, về trong trường hợp nghỉ phép năm đúng thời gian quy định, nếu trong vòng 3 năm chưa được hỗ trợ lần nào; LĐN có con trong độ tuổi gửi trẻ, mẫu giáo sẽ được hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo. Ngoài khoản tiền trợ cấp BHXH cho chế độ thai sản, LĐN còn được hỗ trợ 1 tháng lương cơ sở/lần sinh. Ông Nguyễn Thế Hựu, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty cao su Đồng Nai, cho biết TƯLĐTT trong năm 2021 đã có thêm các nội dung mới như nữ CN được nghỉ hưởng nguyên lương ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và ngày 20-10 được tính trong ngày nghỉ phép năm.
Bình luận (0)