“Trong trái tim tôi chỉ có một lá cờ duy nhất - đó là cờ đỏ sao vàng”. Bà Nguyễn Thị Bé Tư, cán bộ công vận, cựu tù Côn Đảo - đã từng khẳng khái tuyên bố như vậy khi bị địch bắt giam và ép phải chào cờ 3 sọc trong thời gian bị giam cầm. Sau tuyên bố cứng rắn ấy, bà bị biệt giam, phải chịu đựng những màn tra tấn tàn khốc nhưng lý tưởng cách mạng trong tim bà vẫn luôn rực cháy. Là một trong số những cán bộ công vận từng bị tù đày về tề tựu trong buổi họp mặt thân mật do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức tại TP HCM vừa qua, bà Tư một lần nữa đã khắc họa lại những ngày tháng đấu tranh chống Mỹ gian khổ mà hào hùng. Đó là những khoảnh khắc cận kề cái chết, phải đấu trí với kẻ địch.
Gắn bó máu thịt với Đảng
Nhớ lại khoảng thời gian hoạt động trong phong trào công nhân (CN) ở khu vực Hòa Hưng, bà Tư cho biết không chỉ cần sự dũng cảm mà còn phải linh hoạt, biết ứng phó mọi tình huống. “Để tránh tai mắt của địch, chúng tôi mua gân bò kho với thơm; đi tới đâu, chúng tôi rải gân bò tới đó, gân bò dai nên chó ăn không sủa, vì vậy chúng tôi yên tâm rải truyền đơn chống Mỹ khắp nơi” - bà kể.
Sau đợt tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, trong một lần rải truyền đơn, bà và một số đồng đội đạp phải kíp nổ và bị thương. Trong quá trình tháo chạy, do bị chiêu hồi chỉ điểm, bà Tư bị lộ và bị địch bắt giam vào trại giam Thủ Đức. Vào tù, bị ép chào cờ địch, bà Tư cự tuyệt đến cùng. Nghĩ bà còn trẻ, dễ nhụt chí nên địch chỉ còng chân bà vào ghế và bỏ đói. Thế nhưng với sự lanh lợi của mình, lợi dụng sơ hở của địch, bà tìm cách nhấc chân ghế để tháo còng, tự tìm đồ ăn thức uống trong tủ lạnh. Ăn uống xong xuôi, bà lại tra chân ghế vào còng như cũ. Thấy bà vẫn không suy suyển, bọn cảnh sát ngụy tức giận tống bà vào phòng biệt giam, tra tấn dã man và sau đó đày ra Côn Đảo. Mãi cho đến ngày đất nước thống nhất, bà mới được thả về.
Linh mục Phan Khắc Từ cho biết ông nhập cuộc với phong trào đấu tranh đô thị vào cuối thập niên 1970 và gắn với người lao động từ sau vụ đình công của CN Hãng pin Con Ó năm 1971. Suốt 2 tháng trời, cùng các linh mục Trương Bá Cần và Trần Thế Luân, ông Từ xuống đường tham gia đình công với CN nhằm phản đối sự bóc lột của giới chủ cũng như sự đàn áp dã man của chính quyền tay sai. Cuối cùng, 3 ông và một số CN bị bắt giam vào nhà tù Chí Hòa. Ở trong tù, mỗi lần bị địch bắt chào cờ, các ông lại nằm dài ra phản đối. Sau một tuần bị giam, sợ mang tiếng đàn áp tôn giáo, cảnh sát chấp nhận thả 3 ông nhưng ông từ chối với lý do: “CN về thì chúng tôi về, CN còn ở thì chúng tôi ở”. Vì vậy, cảnh sát tống cả ba lên xe, chở đi và đẩy xuống dọc đường. “Thấy chúng tôi nằm ở vệ đường phản đối, rất đông giáo dân đốt nến xung quanh cầu nguyện và vô tình tạo nên một cuộc biểu tình khác” - ông Từ kể. Cuộc đấu tranh ngày càng gay gắt, ông Từ xin đi làm CN hốt rác để gần gũi và lãnh đạo CN đấu tranh cho tới ngày đất nước giải phóng.
Ý chí thép thắng đòn roi
Chế độ hà khắc của nhà tù không những không làm những cán bộ Công vận, Công đoàn (CĐ) gục ngã. Ngược lại, họ vẫn hoạt động cách mạng, biến nhà tù thành trường học để tôi luyện ý chí chiến đấu. Ông Trần Duy Giang, một trong những người đầu tiên bị Mỹ - ngụy đưa ra Côn Đảo, kể: “Bị đày ra Côn Đảo, tôi và đồng đội vẫn giữ vững chí khí chiến đấu và tìm mọi cách để hoạt động. Lúc ấy, biết được tù nhân có đạo được phép dự thánh lễ vào cuối tuần, tôi đã tác động linh mục cho phép các tù nhân không theo đạo được tham gia. Được cho phép, chúng tôi đã tận dụng cơ hội này để trao đổi tin tức và cùng nhau tổ chức các hoạt động trừ gian diệt bạo nhằm chống lại chế độ nhà tù hà khắc”.
Còn bà Hoàng Thị Khánh - nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết thời gian bị tù đày, không ai thoát khỏi những đòn tra tấn đến máu chảy thịt rơi, càng đau đớn bao nhiêu, anh em càng căm thù giặc bấy nhiêu. Để vực dậy tinh thần anh em trong ngục tối, nhiều phong trào văn nghệ, thể thao, thậm chí dạy học, được tổ chức, bí mật hoặc công khai. “Bản thân tôi khi vào tù chỉ mới biết đọc, biết viết, thế nhưng lúc ra tù, tôi đã đọc thông viết thạo. Nói vậy để hiểu rằng vì lý tưởng cách mạng, vì mong muốn giải phóng giai cấp, dù bất kỳ hoàn cảnh nào, các cán bộ công vận cũng có thể chịu đựng được” - bà Khánh nhấn mạnh.
Hay như bà Nguyễn Thị Cúc - nguyên Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - suốt những năm tháng bị tù đày đã dùng tiếng hát của mình át gông xiềng, giúp đồng đội quên đi nỗi đau thể xác và giữ vững niềm tin vào cách mạng. Gặp lại những người bạn cũ, hồi tưởng những đau đớn mất mát thuở ấy, đôi mắt bà rưng rưng. “Những người sống chỉ biết đấu tranh vì giống nòi, vì giai cấp, lúc vào tù họ bất khuất trước kẻ thù, quyết bảo toàn khí tiết, thanh danh cho đến giọt máu cuối cùng mà lòng vẫn thấy quang vinh. Vì dân, vì nước hy sinh âm thầm” - bà một lần nữa cất cao giọng hát với bài “Côn Sơn trường hận” để khép lại chương trình buổi họp mặt lắng đọng nhiều cảm xúc.
“Tổ chức CĐ luôn luôn biết ơn và ghi nhớ công lao của những cán bộ công vận, CĐ lão thành. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các cô chú vẫn giữ một tấm lòng sắt son với sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp xây dựng tổ chức CĐ và phong trào CNVC-LĐ” - ông Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - bày tỏ.
Bình luận (0)