Xung quanh đề xuất không tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong một tuần qua, báo Người Lao Động nhận được khá nhiều phản hồi của bạn đọc bày tỏ sự bức xúc đối với đề xuất vừa vô cảm vừa vô lý này.
Với mức thu nhập hiện nay, đời sống công nhân không thể sống tốt hơn .
Liên quan đến bài viết "Đề nghị không tăng lương của VCCI là vô lý", một bạn đọc có nickname Worker 4.0, bày tỏ "Nhờ các sếp tạo điều kiện cho công nhân (CN) có thêm chút tiền. Họ đã lao động tăng ca và rất vất vả, chủ yếu là lao động chân tay nên nhanh xuống sức. Vì thế khi qua 30 tuổi là doanh nghiệp ít dùng rồi. Lấy đâu ra chờ về hưu khi không còn việc làm".
Cùng suy nghĩ này, bạn đọc tên Oanh, bức xúc: "Đồng lương là gì, nó là khúc ruột của người lao động (NLĐ), do họ cày cực nhọc ngày đêm mới có. Tôi không hiểu VCCI dựa vào đâu mà đề xuất không tăng LTT vùng". Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Quang, nhận xét một cách ẩn ý: "VCCI không đồng ý là đúng vì ai trả tiền lương họ thì họ phải bảo vệ là đúng". Bạn đọc Phuong Nguyen, lý giải: "Đề xuất của VCCI là câu trả lời cho thắc mắc năng suất lao động của Việt Nam thua xa các nước khác . Ăn uống sinh sống như vậy mà đòi năng suất cao, mấy ông VCCI khảo sát cứ vào vai CN đi rồi biết vì sao. Bạn đọc Hongson thì gay gắt hơn: "Đề xuất của VCCI thật là vô cảm,vô tâm, vô trách nhiệm đối với hàng triệu CN đang chật vật với cuộc sống.
Đề cập đến thực trạng đời sống CN hiện nay, bạn đọc tên Tuấn, phản ánh: "Tôi hiện nay làm việc tại KCN Mỹ Phước, huyện Bến Cát, tỉnh Bình dương. Tại KCN này, đồng lương nếu làm việc cho doanh nghiệp (DN) nước ngoài rất thấp, bình quân 5,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tiền nhà trọ thì tăng không theo quy định (800.000 đồng/tháng), chưa kể tiền điện, nước. Chưa kể tiền sinh hoạt chợ búa tăng ầm ầm. Với mức thu nhập như thế này NLĐ không thể sống tốt hơn .
Bàn về thực trạng đời sống CN, bạn đọc có nickname Người Lao Công, bày tỏ hồ nghi: "Sao lại chỉ có 39% CN phải sống tằn tiện, kham khổ, tôi nghĩ phải đến 50% đấy. Những đứa trẻ da xanh, đầu to mắt trố chân tay khẳng khiu nhiều lắm. Được cái không có thừa cân béo phì". Còn bạn đọc Hoàng Trường Giang lại khẳng định "Tôi nghĩ phải đến 93% chứ không phải 39%".
Bữa ăn thường thấy của công nhân nhà trọ
Ở một góc nhìn khác, bạn đọc Bi Min, góp ý "Vấn đề là phải làm sao hạ giá chi phí sinh hoạt, giá sản phẩm tiêu dùng chứ tăng lương thì cũng được tính vào giá sản phẩm tiêu dùng, thuế VAT cũng theo đó mà tăng lên, rồi NLĐ phải trả giá cao hơn để mua, chi phí cũng tăng lên, vậy tăng lương có ích gì. Mặt khác tăng lương chính là nguyên cớ gia tăng lạm phát, đồng tiền mất giá, chỉ làm khổ những thành phần không ăn lương như nông dân, ngư dân v.v.... làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo".
Một bộ phận NLĐ nhận mức lương cơ bản thấp hơn mức LTT vùng
Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tiền lương cơ bản trung bình của NLĐ sản xuất trực tiếp là 4,23 triệu đồng/tháng (vùng I là 4,76 triệu; vùng II là 4,57 triệu đồng; vùng III là 4,14 triệu đồng; vùng IV là 3,32 triệu đồng); lao động gián tiếp, văn phòng là 6,52 triệu đồng/tháng; cán bộ quản lý người Việt Nam là 9,5 triệu đồng. Lao động và quản lý người nước ngoài là 30,3 triệu đồng/tháng.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng lương cơ bản trung bình theo khảo sát năm 2018 cao hơn LTT 39,8%. Đặc biệt là vẫn còn một bộ phận NLĐ nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức LTT vùng. Ngoài tiền lương cơ bản, NLĐ làm việc còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ DN với nhiều tên gọi khác nhau để tăng thu nhập, giữ chân NLĐ, nhưng các khoản này thường không tính vào mức đóng bảo hiểm (trừ phụ cấp trách nhiệm, chức vụ).
Như vậy, cộng tất cả các khoản, tổng thu nhập trung bình của NLĐ (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng (cao hơn lương cơ bản là 18,4%), tăng hơn 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017. Tiền lương cơ bản chiếm 84,4% tổng thu nhập của NLĐ.
Bình luận (0)