Chiều 12-7, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã công bố khảo sát thực tế về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu, đời sống của người lao động (NLĐ) và thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu (LTT) vùng trong các doanh nghiệp (DN) năm 2018. PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (CN-CĐ) và ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, chủ trì buổi công bố.
Lương cơ bản còn thấp
Đây là kết quả khảo sát thực tế do Viện CN-CĐ phối hợp với Ban Quan hệ Lao động, thực hiện lấy ý kiến 3.008 phiếu hỏi đối với NLĐ tại 150 DN ở 25 tỉnh, thành phố có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình DN và vùng lương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM, Cần Thơ, CĐ ngành xây dựng, CĐ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam... Cuộc khảo sát bảo đảm cơ cấu về giới tính, độ tuổi, vị trí công việc; tìm hiểu các vấn đề liên quan đến việc làm, tiền lương, chi tiêu, những khó khăn, vướng mắc, bức xúc và kiến nghị của NLĐ.
PGS-TS Vũ Quang Thọ, cho biết lương cơ bản (LCB) hằng tháng của NLĐ (làm đủ giờ công, ngày công) trung bình là 4,67 triệu đồng, trong đó, NLĐ làm việc trong lĩnh vực xây dựng, giao thông có LCB hằng tháng cao nhất với bình quân là 4,949 triệu đồng; thấp nhất là lao động dệt may với 4,225 triệu đồng. Theo thống kê từ các DN khảo sát, LCB trung bình của NLĐ sản xuất trực tiếp là 4,23 triệu đồng/tháng. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng LCB trung bình theo khảo sát năm 2018 cao hơn LTT 39,8%. Đặc biệt là vẫn còn một bộ phận NLĐ nhận được mức LCB thấp hơn mức LTT vùng.
Ngoài LCB, NLĐ làm việc còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ DN với nhiều tên gọi khác nhau để tăng thu nhập, giữ chân NLĐ. Thế nhưng, các khoản này thường không tính vào mức đóng bảo hiểm (trừ phụ cấp trách nhiệm, chức vụ). Như vậy, cộng tất cả các khoản, tổng thu nhập trung bình của NLĐ (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng (cao hơn LCB là 18,4%), tăng hơn 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017. LCB chiếm 84,4% tổng thu nhập của NLĐ.
Sống tằn tiện, kham khổ
Về mức chi tiêu và chi tiêu tối thiểu của gia đình NLĐ, kết quả khảo sát cho biết qua số liệu xử lý phiếu khảo sát năm 2018, có 2.885 NLĐ đang sống chung hộ gia đình với người thân, với số lượng, cơ cấu là 3,7 nhân khẩu/hộ, trong đó có 2,05 người phụ thuộc (con nhỏ) và 1,65 lao động hưởng lương, cho thấy mức chi tiêu trung bình của một hộ gia đình khoảng 7,38 triệu đồng/tháng. Với hộ gia đình các vùng lương có số nhân khẩu tương ứng ở trên thì mức chi tiêu thấp nhất (tối thiểu) là 6,57 triệu đồng/tháng. Cụ thể, ở vùng I là 7,38 triệu đồng; vùng II là 6,76 triệu đồng; vùng III là 5,8 triệu đồng; vùng IV là 5,75 triệu đồng.
Qua khảo sát, với thu nhập và chi tiêu hiện nay (không có biến động về việc làm, thu nhập và đời sống) có 32,1% NLĐ cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm, trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản tiền mà NLĐ dành dụm để chi tiêu dịp lễ, Tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái. "So sánh thu nhập với chi tiêu của NLĐ và gia đình, 17,4% NLĐ cho biết có dư dật và tích lũy; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ" - PGS-TS Vũ Quang Thọ cho hay.
Lương tối thiểu thấp khiến đời sống đại bộ phận công nhân hết sức khó khăn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho biết theo báo cáo của Công đoàn các KCN-KCX TP HCM năm 2018, khi khảo sát 11 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại KCN Linh Trung I (quận Thủ Đức, TP HCM), nơi có đông CN thuộc các lĩnh vực giày da, chế biến thủy sản, đồ gỗ và cơ khí, với quy mô 37.600 lao động, mức LCB trung bình là 4,78 triệu đồng; thu nhập trung bình 6,2 triệu đồng. Khi so sánh thu nhập và chi tiêu, các hộ độc thân có tiết kiệm trung bình 1,2 triệu đồng/tháng; các hộ gia đình sinh 1 con, thu nhập của 2 vợ chồng đủ tạm trang trải cuộc sống, số tiền dành dụm được ít, chỉ mức 300.000 đồng/tháng nhưng có tới 9,1% không có tích lũy và 3,1% gặp khó khăn, thiếu thốn. "Riêng các hộ gia đình 2 con thì thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày".
Đánh giá mức độ hài lòng với tiền lương, thu nhập của mình, NLĐ cho biết: 17,2% đánh giá hài lòng, giảm 5,5% so với năm 2017; 65,7% tạm hài lòng, tăng 13,3%; 17,1% không hài lòng, giảm 7,8%.
Tăng 8% là hợp lý, hợp tình
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, tổ chức CĐ đưa ra mức đề xuất tăng LTT vùng 8% vào năm 2019 là vừa hợp với đạo lý và vừa đúng với pháp lý của vấn đề, chứ không phải nói khơi khơi tăng hay không tăng. Ông Hiểu cho rằng Nghị quyết 27/NQ-TW, ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã nêu rất rõ: Thực hiện điều chỉnh tăng mức LTT vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của DN để đến năm 2020 mức LTT bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Như vậy, việc tăng lương có lộ trình, đích đến đã được quy định rất rõ ràng trong nghị quyết của Đảng.
Bên cạnh đó, điều 91 Bộ Luật Lao động 2012 quy định: LTT là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Căn cứ tiếp theo phải tăng LTT vùng 8% vào năm 2019, theo ông Ngọ Duy Hiểu, là căn cứ chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017, dự báo trong năm 2018 tăng ít nhất khoảng 4%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,08% so với cùng kỳ năm 2017, dự báo cả năm ít nhất tăng 6,7%; các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng khoảng 12%-14%… Cho nên NLĐ phải được hưởng lợi từ tăng trưởng này".
Từ ngày 1-7-2018, Chính phủ đã điều chỉnh tăng gần 7% mức lương cơ sở, lương hưu của công chức, viên chức. "Ngân sách nhà nước đang khó khăn thế nhưng vẫn chấp nhận điều chỉnh tăng lương cho công chức. Vậy DN không tăng lương cho NLĐ, liệu có phù hợp với đạo lý không?" - ông Hiểu nêu vấn đề và cho rằng nếu năm 2019 không tăng lương, liệu đến năm 2020, các DN có chịu nổi mức tăng gần 20% để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ theo quy định?
. Ông NGUYỄN VĂN HẢI, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM:
Cần chia sẻ khó khăn với người lao động
Hằng năm, tuy Chính phủ đều điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng cho người lao động (NLĐ) nhưng mức tăng đó chỉ giúp họ cải thiện được một phần khó khăn và cuộc sống NLĐ vẫn chưa đạt được mức tối thiểu như chúng ta kỳ vọng. Chính vì vậy, việc tiếp tục điều chỉnh LTT vùng năm 2019 là cần thiết và mức tăng 8% theo đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam là phù hợp.
Mức tăng này theo tôi có thể động viên NLĐ tiếp tục cống hiến cho doanh nghiệp (DN), đồng thời cũng thể hiện sự chia sẻ với khó khăn của người sử dụng lao động. Mặt khác, việc điều chỉnh LTT vùng hằng năm đã thành thông lệ nên NLĐ rất trông chờ. Nếu trong năm 2019, LTT vùng không được điều chỉnh, chắc chắn đời sống NLĐ sẽ khó khăn hơn và vì thế quan hệ lao động sẽ diễn biến khó lường.
. Ông HÀ PHƯỚC ĐỨC, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Viễn Thông A:
Đừng mặc cả với NLĐ
Theo dõi việc đàm phán điều chỉnh LTT vùng năm 2019, bản thân tôi bất ngờ khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất không tăng lương để giảm gánh nặng cho DN. Vấn đề đặt ra, đây có phải là ý kiến, nguyện vọng của tất cả chủ DN hay chỉ là của một nhóm người? DN nào cũng khẳng định NLĐ là tài sản quý, vậy tại sao mỗi đợt tăng lương lại có sự cò kè mặc cả từng đồng như thế.
Mỗi năm, giá cả hàng hóa DN sản xuất ra đều tăng ít hay nhiều. Điều này nằm trong tính toán của DN và phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không riêng gì quỹ tiền lương cho NLĐ. Liệu VCCI có thể cam kết rằng khi không tăng lương thì giá thành sản phẩm của tất cả DN sẽ không tăng? Còn nếu giá cả tăng mà lương NLĐ không tăng thì rõ ràng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống vốn đã thấp của NLĐ. Vì vậy, theo tôi, việc điều chỉnh LTT vùng trong năm sau vẫn phải thực hiện và mức điều chỉnh phải cao hơn hoặc ít nhất cũng bằng năm 2018 để bảo đảm cuộc sống cho NLĐ và giữ được mối quan hệ lao động hài hòa.
. Chị NGUYỄN THỊ KIM CÚC, công nhân Công ty TNHH Freetrend (KCX Linh Trung I; quận Thủ Đức, TP HCM):
Lương không tăng, công nhân khó sống
Nếu LTT không tăng, chắc chắn cuộc sống của chúng tôi sẽ rất khó khăn. Tôi làm công nhân (CN) hơn 5 năm, lương và phụ cấp chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tháng nào có tăng ca, thu nhập của tôi chỉ được 6 triệu đồng/tháng. Chồng tôi là CN bốc xếp, thu nhập được 5 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, vợ chồng tôi trả tiền thuê nhà hết 1,5 triệu đồng, tiền ăn 3 triệu đồng, tiền học cho con 3 triệu đồng, tiền sữa hơn 2 triệu đồng... Phải chi tiêu dè sẻn lắm, vợ chồng tôi mới có tiền gửi về cho ông bà nội ở quê mỗi tháng 1 triệu đồng. Tháng nào nhiều đám tiệc hay con ốm đau thì vợ chồng phải vay mượn người thân. Đầu năm nay, chủ nhà trọ đã thông báo tăng tiền nhà trọ thêm 100.000 đồng/tháng. Nếu không tăng lương, CN làm sao sống được trong thời buổi mọi thứ đều tăng giá.
. Chị LÊ THỊ HÀ, công nhân Công ty TNHH May mặc Gia Hưng (quận Tân Bình, TP HCM)
Công nhân chịu thiệt lắm rồi!
Tổng thu nhập của tôi một tháng được 7 triệu đồng, trừ phí bảo hiểm các kiểu còn lại 6,5 triệu đồng. Tôi ở trọ ghép với một người bạn, mỗi tháng mỗi đứa chi 1,2 triệu đồng tiền ở, góp 2 triệu đồng tiền nấu ăn chung. Chi phí xăng xe, nạp tiền điện thoại, mua đồ dùng thiết yếu con gái, ăn khuya... cũng hết hơn 1 triệu đồng nữa.
Tính ra tôi còn dư chưa tới 2 triệu đồng nhưng đó là những khi tôi không phải chi thêm các khoản phát sinh như ma chay, hiếu hỷ. Sắp tới, tiền nhà trọ tăng thêm 500.000 đồng, điện nước cũng tăng lên nữa chưa biết sao đây. Ở công ty tôi mấy hôm nay cũng bàn xôn xao vụ tăng LTT. Tôi nghĩ rằng với cách tính LTT như hiện nay đang kéo đời sống CN như chúng tôi đi xuống cả vật chất lẫn tinh thần. Bụng không đủ no, chăn không đủ ấm thì làm sao yên tâm làm việc, làm sao ổn định cuộc sống được chứ. Làm CN là chúng tôi đã chấp nhận thiệt thòi đủ thứ rồi.
C.HƯỜNG - H.ĐÀO - T.NGA - G.NAM ghi
Bình luận (0)