Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết nếu năm 2009 mới chỉ có 5,9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thì tới năm 2015 (khi Luật Việc làm có hiệu lực thi hành) số người tham gia BHTN là 10,3 triệu người, tăng 173% so với năm 2009. Năm 2017, số người tham gia BHTN là 11,7 triệu người với số thu là 13.517 tỉ đồng.
Theo báo cáo của các trung tâm dịch vụ việc làm, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm tăng qua các năm, tính đến hết năm 2017, có khoảng 4 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, trong đó số người được giới thiệu việc làm chiếm 18% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tính đến hết năm 2017 có khoảng 124.000 người được hỗ trợ học nghề. Những ngành nghề người lao động đăng ký học là tin học văn phòng, các nghề về ẩm thực và thẩm mỹ, sửa chữa, lắp ráp máy vi tính, điện dân dụng, điện công nghiệp, thiết kế quảng cáo, lái xe… Số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) tăng do số người tham gia BHTN ngày càng tăng. Tổng số người được hưởng TCTN đến hết năm 2017 khoảng 3,6 triệu người.
Tổng chi các chế độ BHTN có xu hướng tăng theo từng năm do số người tham gia BHTN ngày càng tăng, nếu năm 2010 tổng chi các chế độ BHTN là 457,11 tỷ đồng thì đến năm 2015 đã tăng lên 4.883 tỉ đồng và năm 2017 là 7.831 tỉ đồng. Chi TCTN vẫn chiếm tỉ lệ cao so với chi hỗ trợ học nghề và chi đóng BHYT cho người lao động (NLĐ) đang hưởng TCTN.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, thời gian vừa qua, không có người sử dụng lao động hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, nguyên nhân do hiện nay hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác theo quy định để được hưởng chế độ này. Mặt khác, đây là một chế độ mới, các quy định về điều kiện hưởng rất chặt chẽ nên cũng là một rào cản dẫn đến người sử dụng lao động khó tiếp cận chế độ này.
Mới đây, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN đang được Bộ LĐ-TB&-H lấy ý kiến rộng rãi. Nhiều quy định đã được Bộ LĐ-TB-XH đề xuất sửa đổi, bổ sung trong đó có những quy định mới tạo điều kiện cho NLĐ và người sử dụng lao động tiếp cận tốt hơn với những hỗ trợ từ quỹ BHTN.
Theo đó, về các chế độ BHTN, Dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo hướng mở rộng các trường hợp được coi là bất khả kháng. Cụ thể tại dự thảo Nghị định, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất sửa đổi điều kiện trên thành: Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh và dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 30 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng dưới 200 lao động; từ 50 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng từ 200 đến 1000 lao động; từ 100 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng trên 1000 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 1 tháng.
Những trường hợp được coi là bất khả kháng nêu trên, bao gồm: Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi người sử dụng lao động bị thiệt hại.
Dự thảo Nghị định cũng đề xuất nâng mức 1,5 triệu đồng/người/tháng hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động. Đồng thời, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn ban hành quyết định hỗ trợ học nghề từ 15 ngày lên 20 ngày để phù hợp với điều kiện được hỗ trợ học nghề. Sửa đổi, bổ sung nghề được hỗ trợ theo hướng đa dạng hóa hơn...
Bình luận (0)