Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố, trong năm 2020, toàn quốc đã xảy ra 8.380 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.610 người bị nạn. Trong đó, số người chết vì TNLĐ là 966 người và 1.897 người bị thương nặng. Thiệt hại về vật chất do TNLĐ như chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là trên 6.003 tỉ đồng, thiệt hại về tài sản trên 3.883 tỉ đồng.
Sản xuất phải an toàn
Tại chương trình họp mặt công nhân (CN) bị TNLĐ do LĐLĐ TP Thủ Đức, TP HCM, tổ chức mới đây, mọi người đều xúc động trước chia sẻ của anh Nguyễn Minh Đức, nguyên CN Công ty TNHH Thiên Lộc Phát (quận 12, TP HCM). Chỉ vì một phút bất cẩn mà anh bị TNLĐ, lâm vào cảnh tàn tật.
Kể lại vụ việc, đến giờ này anh Đức vẫn còn ám ảnh. Cách đây hơn 4 năm, trong lúc kiểm tra hàng hóa, anh Đức bị một cuộn thép nặng hơn 4 tấn đè lên chân phải. Dù được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng chân của anh vẫn bị dập nát, phải cắt bỏ với tỉ lệ thương tật 67%. "Nếu tôi ràng buộc hàng hóa đúng quy trình thì tai nạn đã không xảy ra và không phải chịu cảnh tàn tật như hiện nay. Đây là bài học đắt giá cho bản thân tôi và đồng nghiệp trong việc tuân thủ quy trình làm việc an toàn" - anh Đức bộc bạch.
Bảo đảm an toàn lao động cho người lao động là ưu tiên của Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), trong các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chết người trong năm 2020, là do người lao động (NLĐ) vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động (ATLĐ) chiếm 23,85%.
Theo ông Nguyễn Đức Hải, Phó Phòng ATLĐ Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (quận 3, TP HCM), để ngăn ngừa rủi ro, doanh nghiệp (DN) phải đặc biệt coi trọng công tác huấn luyện và nâng cao nhận thức ATLĐ cho NLĐ. Tại các công trường của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, trước giờ làm việc, cán bộ chuyên trách ATLĐ thường xuyên nhắc nhở CN phải chấp hành quy trình làm việc an toàn như: đeo dây đai khi thi công trên cao; dọn dẹp vật tư gọn gàng sau khi thi công; ăn uống, hút thuốc, nghỉ ngơi đúng nơi quy định; kiểm tra giàn giáo trước khi đưa vào sử dụng. Cá nhân nào vi phạm lập tức bị mời ra khỏi nơi làm việc. Hằng năm, công ty thường xuyên mở các khóa huấn luyện ATLĐ cho CN.
Việc sớm áp dụng hệ thống quản lý môi trường, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế cũng giúp công ty hạn chế tối đa rủi ro cũng như bảo đảm sức khỏe lâu dài cho NLĐ. Với nỗ lực ấy, trong năm 2020, công ty đã đạt được gần 41 triệu giờ ATLĐ tại 46 công trình trong cả nước.
Cảnh báo sớm rủi ro
Ý thức được tầm quan trọng của công tác ATLĐ nên rất nhiều chủ sử dụng lao động và Công đoàn cơ sở tại TP HCM đã chủ động hợp tác chặt chẽ trong việc xây dựng quy trình làm việc an toàn; vận động NLĐ nâng cao ý thức phòng ngừa rủi ro trong quá trình làm việc.
Hoạt động trong lĩnh vực cơ khí tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNLĐ nên ban giám đốc Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) đặc biệt coi trọng công tác ATLĐ. Điển hình là việc phối hợp Công đoàn cơ sở phát động phong trào sáng kiến cảnh báo. Theo đó, ban giám đốc yêu cầu hằng tháng mỗi CN phải có ít nhất một phát hiện về nguy cơ mất an toàn tại nơi làm việc. Đó có thể là lỗi kỹ thuật trên thiết bị hay đơn giản là ổ cắm điện, bậc thềm lên xuống thiếu an toàn… Khi CN phản ánh, trong phạm vi quyền hạn của mình, trưởng ca sản xuất phải xử lý ngay; nếu ngoài khả năng thì phải báo cho cấp cao hơn giải quyết. Do đây là tiêu chí để ban giám đốc đánh giá thi đua cuối năm nên tất thảy CN rất ủng hộ và tích cực hưởng ứng.
Nhờ sớm nhận diện được rủi ro nên nhiều năm qua, công ty không xảy ra TNLĐ. "Quan trọng vẫn là ý thức tuân thủ kỷ luật lao động của CN. Nội quy, quy chế công ty xây dựng sẽ không có tác dụng nếu NLĐ lơ là hoặc chủ quan" - ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki, chia sẻ.
Những lần ghé thăm Công ty TNHH Một thành viên Cảng Bến Nghé (Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn), chúng tôi ấn tượng trước quy trình kiểm soát rủi ro, đặc biệt là ý thức tuân thủ pháp luật về ATLĐ của NLĐ nơi đây. Ở các khâu có nguy cơ cao về TNLĐ như xếp dỡ hàng hóa, vận chuyển, cán bộ ATLĐ thường xuyên có mặt giám sát, nhắc nhở NLĐ tuân thủ quy trình làm việc an toàn. Toàn bộ thiết bị máy móc đều được bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ nhằm bảo đảm an toàn cho NLĐ trong suốt quá trình làm việc. NLĐ làm việc ở các bộ phận đòi hỏi nghiêm ngặt về ATLĐ thường xuyên được cử theo học các khóa huấn luyện.
Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật do ban giám đốc và Công đoàn cơ sở phát động hằng năm luôn được tập thể kỹ sư, CN ở cảng tích cực hưởng ứng, nhờ vậy công ty không để xảy ra TNLĐ. "Các biện pháp quyết liệt, đồng bộ của ban giám đốc không nằm ngoài mục tiêu ngăn ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho NLĐ trong suốt quá trình làm việc. Sản xuất an toàn thì DN mới phát triển ổn định" - ông Nguyễn Ngọc Thảo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cảng Bến Nghé, khẳng định.
Chủ động phòng ngừa
Theo các chuyên gia về ATLĐ, để hạn chế TNLĐ xảy ra, việc nhận diện mối nguy, đánh giá rủi ro, phòng ngừa các nguy cơ… là một trong những biện pháp giúp nâng cao điều kiện an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Hoạt động này đóng vai trò quan trọng giúp NLĐ và DN có biện pháp phòng ngừa phù hợp, giảm gánh nặng tài chính cho xã hội, chủ DN cũng như bản thân NLĐ. "TNLĐ xảy ra không chỉ làm NLĐ thiệt thòi mà DN cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Do vậy, bên cạnh nỗ lực của DN và tổ chức Công đoàn, các ngành chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra các DN hoạt động trong các lĩnh vực có nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm... Các vụ TNLĐ, làm chết và bị thương nhiều người do vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động cần được xử lý nghiêm để răn đe" - ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, khẳng định.
Bình luận (0)