Vừa tan ca, anh Nguyễn Văn Hải, công nhân (CN) Công ty TNHH Xây dựng Đức Khải (quận Thủ Đức, TP HCM), vội vàng chạy về nhà trọ. Để nguyên bộ đồ CN trên người, anh chỉ rửa mặt qua loa và lót dạ bằng tô cơm nguội. Khi chúng tôi hỏi: “Sao không tắm rửa sạch sẽ, nghỉ ngơi chút rồi ăn cơm cho ngon?”, anh Hải xua tay: “Tắm làm gì, lát nữa đi làm cũng lấm lem cát, bụi. Làm xong tắm luôn một lần”. Gần 1 tháng nay, bà chủ nhà trọ nơi anh ở sửa chữa các phòng cho thuê, Hải và 2 người bạn thân nhận làm phụ hồ để có thêm thu nhập.
Không làm thêm khó sống nổi
Công việc phụ hồ kéo dài từ 17 đến 21 giờ mỗi ngày, giúp Hải và 2 người bạn kiếm được 250.000 đồng/người/mỗi lần. Hải nói anh may mắn khi có việc làm thêm bởi rất nhiều đồng nghiệp khác cùng công ty rất muốn cải thiện thu nhập sau giờ làm nhưng không có cơ hội. “Đồng lương CN của tôi chưa đến 5 triệu đồng trong khi lương CN may của vợ chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng, dù dè sẻn hết mức nhưng cuộc sống hết sức chật vật. Chi phí thuê nhà trọ, điện nước, kể cả khoản tiền gửi về quê phụ giúp ba mẹ nuôi 2 con ngốn hết thu nhập nên tháng nào cũng thiếu trước hụt sau. Nếu không làm thêm, nói thật vợ chồng em khó trụ lại TP” - Hải thở dài.
Cách nhà vợ chồng Hải ở không xa, cuộc sống gia đình anh Ngô Văn Nam và chị Nguyễn Thị Hương cũng chẳng khá hơn. Chị Hương là CN Công ty Liêm Trinh (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), còn anh Nam là CN của một doanh nghiệp nhà nước. Hương cho biết tổng thu nhập của vợ chồng chị hơn 9 triệu đồng và dù đã chi tiêu tằn tiện nhưng vẫn không có dư. Tiền nhà, điện, nước, tiền học của 2 đứa con nhỏ... gần như nuốt trọn tiền lương hằng tháng của anh chị. Thương vợ con phải sống trong cảnh thiếu thốn nên ngoài giờ làm việc, anh Nam bươn chải đủ nghề để kiếm thêm tiền. Làm bốc vác và chạy xe ôm là lựa chọn của anh. “Nhiều hôm phải vác bao hàng nặng cả trăm ký trên vai khiến tôi rất đau nhức, cả đêm không ngủ được. Làm bốc vác tuy cực khổ, có hôm đến 2 giờ mới về nhưng bù lại tôi kiếm được 150.000-200.000 đồng. Số tiền này cũng đủ chi tiêu lặt vặt cho gia đình. Mình là trụ cột trong nhà thì phải chịu khó cáng đáng, chỉ mong vợ con bớt khổ” - anh Nam bộc bạch. Những ngày không có hàng, anh Nam chạy xe ôm lòng vòng quanh KCN Sóng Thần để kiếm khách.
Thu nhập bấp bênh cũng buộc chị Lý Thị Bích Trâm, CN Công ty Freetrend A (KCX Linh Trung 2, quận Thủ Đức, TP HCM), phải xin làm phục vụ cho một nhà hàng gần nhà trọ trong ngày chủ nhật để kiếm thêm. Trâm cho biết chị làm ở công ty gần 3 năm với thu nhập hiện hơn 5 triệu đồng/tháng (đã tính tăng ca). Dù còn độc thân và rất tiết kiệm nhưng cuộc sống của chị cũng rất khó khăn. “Nếu làm 2 ca, tôi kiếm được 300.000 đồng, nhờ vậy mà có tiền gửi về quê cho cha mẹ già” - chị Trâm cho biết. Cũng gặp khó khăn không kém, đồng nghiệp của Trâm là chị Nguyễn Thị Tím, phải đi cắt tóc dạo để cải thiện thu nhập.
Thiếu trước hụt sau
Nhiều năm qua, sau giờ làm hay vào những ngày nghỉ, anh Trần Thanh Hải, CN Công ty SX Mỹ nghệ xuất khẩu Hiro (huyện Hóc Môn, TP HCM), tranh thủ đi bán vé số để cải thiện cuộc sống. “Tiền lời bán vé số mỗi tối khoảng vài ba chục ngàn đồng nhưng nếu không đi bán, khoản nợ hơn 50 triệu đồng vay mượn để chữa bệnh cho mẹ tôi từ 2 năm trước chắc cả đời làm CN cũng không thể kham nổi” - Hải thở dài.
Hải là CN ở khâu chạm trổ còn vợ anh làm ở bộ phận thú nhồi bông. Anh chị được trả lương công nhật từ 150.000-153.000 đồng/người/ngày. Tháng nào đơn hàng ổn định thì thu nhập của vợ chồng khoảng hơn 8 triệu đồng. Vợ chồng anh đều bị khuyết tật chân nên được công ty ưu ái cho ở nhà lưu trú miễn phí, mỗi tháng chỉ phải trả 500.000 đồng tiền điện nước. Tuy vậy, với khoản thu nhập ít ỏi hằng tháng, họ phải tằn tiện lắm mới đủ trang trải cho gia đình gồm 3 miệng ăn. Mới đây, bệnh khớp tái phát khiến cơ thể Hải thường xuyên đau nhức, phải nghỉ ít hôm. Không có thêm nguồn thu trong khi phải chi thêm tiền thuốc men nên cuộc sống gia đình anh thêm chồng chất khó khăn. Đến đường cùng, anh chị phải gửi con trai 3 tuổi về quê nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Anh thổ lộ: “Con còn nhỏ, để cháu về quê, vợ chồng tôi thương và nhớ lắm nhưng vì hoàn cảnh nên đành cắn răng chịu vậy. Con về quê, ngoài vài triệu đồng gửi về phụ ông bà chăm sóc cháu, vợ chồng cố gắng nhịn ăn nhịn mặc để tích góp trả cho hết nợ. Chứ con ở đây, riêng tiền học phí cũng hơn 1,5 triệu đồng/tháng rồi, chưa kể tiền sữa, tiền ăn..., vợ chồng tôi kham không nổi”.
Cũng như vậy, để nuôi sống bản thân và gia đình, một ngày làm việc của chị Võ Thị Thái, CN Công ty TNHH Hung Way (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), kéo dài từ tờ mờ sáng cho đến tận khuya. Hơn 4 năm xa nhà, chị tự bươn chải trên đôi chân tật nguyền và là trụ cột của cả gia đình. Dù có tăng ca cật lực, thu nhập cũng chỉ tầm hơn 5 triệu đồng/tháng, chị chỉ dám giữ lại cho mình 1 triệu đồng, còn lại gửi toàn bộ về quê cho cha mẹ già và 2 em còn đang ăn học. Tháng nào ít tăng ca, chị nhận vé số để bán dù đi lại hết sức khó khăn. “Vì chỉ bán được buổi tối nên tôi cũng không dám nhận nhiều, sợ không bán hết. Có hôm gặp mưa, về đến nhà trọ bị ướt nhèm và cảm lạnh. Kiếm thêm thu nhập quả là điều không đơn giản nhưng tôi không có lựa chọn khác” - chị tâm sự.
Đừng để công nhân sống mòn
Kết quả khảo sát về mức sống tối thiểu vùng của người lao động (NLĐ) trong các doanh nghiệp (DN) năm 2015 của Viện Công nhân - Công đoàn cho thấy mức chi tiêu trung bình của NLĐ (có nuôi con) là 4.247.000 đồng/tháng, trong đó vùng I: 4.910.000 đồng; vùng II: 4.290.000 đồng; vùng III: 3.950.000 đồng; vùng IV: 3.510.000 đồng. NLĐ tại các vùng I và II, nơi có khu công nghiệp tập trung, phải thuê nhà mỗi tháng với giá rẻ nhất là 700.000 đồng cho 3 người ở; tiền điện trung bình 50.000 đồng/người; tiền nước 100.000 đồng/người (8 m3); mừng đám cưới thấp nhất 200.000 đồng/lần; thăm ốm 100.000 đồng/lần; gửi con nhà trẻ 1,5 triệu đồng/tháng. Giá cả các dịch vụ và đồ dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm tại đây đều tăng hơn khu vực lân cận từ 7%-10%.
Không khó nhận diện áp lực quá lớn về đời sống mà NLĐ phải gánh chịu qua số liệu khảo sát, đặc biệt là trong bối cảnh tiền lương tối thiểu (LTT) vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của họ. Ở rất nhiều DN, do nền LTT quá thấp nên dù có nai lưng tăng ca thì NLĐ cũng khó cải thiện thu nhập. Cũng chính vì thu nhập bấp bênh mà ở nhiều nơi CN phải bươn chải đủ nghề để có thêm tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Phụ hồ, bán vé số, chạy bàn, thậm chí chạy xe ôm, họ không từ nan việc gì chỉ với một ước mơ đơn giản, đó là có một cuộc sống tạm đủ. Hiểu được những khó khăn mà NLĐ đang đối diện hằng ngày, hằng giờ, ở 2 lần đàm phán về LTT, Tổng LĐLĐ Việt Nam kiên quyết bảo lưu mức đề xuất tăng 16,8%. Trưng ra kết quả khảo sát trung thực về đời sống CN, thông điệp mà tổ chức CĐ muốn gửi đến là đừng bao giờ để NLĐ tiếp tục sống mòn với LTT.
Kết quả khảo sát thực tiễn cuộc sống NLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho thấy tiền LTT mới đáp ứng 74%-75% mức sống tối thiểu. “Việc LTT còn chênh lệch 25%-26% so với mức sống tối thiểu là không đúng với quy định của Bộ Luật Lao động. Tổ chức Công đoàn sẽ đấu tranh mạnh mẽ để NLĐ được bảo đảm quyền lợi theo quy định của Hiến pháp và pháp luật lao động” - ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định.
Khánh An
Bình luận (0)