Họ càng thất vọng hơn khi đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn khư khư giữ mức đề xuất tăng LTT 10%. Báo Người Lao Động tiếp tục chuyển tải ý kiến công nhân và cán bộ Công đoàn (CĐ) về vấn đề này.
Thu nhập thấp khiến đại bộ phận công nhân phải tiết kiệm chi tiêu ẢNH: NGUYỄN LUÂN
Nhiều cán bộ Công đoàn, đặc biệt là công nhân (CN) ủng hộ mức 16,8% do Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất, bởi mức này mới có thể giúp CN ổn định cuộc sống vốn đã khó khăn.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, Công nhân Công ty TNHH Phát Tiến, huyện Hóc Môn, TP HCM
Không ai sống bằng lương tối thiểu
Xa quê kiếm sống, mong mỏi của tôi và nhiều công nhân (CN) khác là tiền LTT phải đảm bảo được mức sống tối thiểu. Điều 91 của Bộ Luật lao động năm 2012 cũng đã quy định tiền LTT phải đảm bảo nhu cầu tối thiểu. Thực tế, chính quy định về tiền LTT quá thấp khiến CN bị thiệt thòi, phải tăng ca và làm đủ mọi cách để có thể sống được. Theo tôi, lý lẽ của VCCI khi cho rằng nếu tăng lương cao quá thì DN không có khả năng chi trả chỉ là ngụy biện. Thực tế, để ổn định cuộc sống CN, rất nhiều DN đều trả lương cho NLĐ trên mức tiền LTT, rõ ràng người sử dụng lao động nhận thức rất rõ thực trạng đời sống CN hiện nay. Cá nhân tôi ủng hộ mức đề xuất 16,8% do Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất, đồng thời đề nghị VCCI cũng như Hiệp hội Dệt may Việt Nam nên căn cứ vào thực tiễn đời sống CN để xây dựng mức LTT phù hợp nhằm giúp họ ổn định cuộc sống.
Anh Nguyễn Thành Vinh, Công ty Hong Ik Vina- KCX Tân Thuận
Không dám… bệnh
Với mức thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng tôi phải dành ra 1,5 triệu đồng trả tiền thuê nhà; 200.000 đồng tiền điện, nước; chi phí đi lại 400.000 đồng; tiền ăn 1,5 triệu đồng; tiền nhà trẻ cho con hơn 1,2 triệu đồng và tiền ăn, tiền sữa, con ốm đau… Chưa kể, chúng tôi còn phải mừng đám cưới bạn bè, thôi nôi, giỗ chạp… CN như chúng tôi hoàn toàn không có khoản nào cho việc khám chữa bệnh, vui chơi giải trí; càng không có tích lũy để phòng khi hữu sự. Để đạt được mức thu nhập này, bản thân tôi phải tăng ca cật lực và hầu như không có ngày nghỉ. Với tình hình giá cả tăng nhanh như hiện nay, đồng lương CN không thể nào sống nổi vì thế chúng tôi cần một mức lương đủ sống, để bớt tăng ca, có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Những người bảo CN sống được là không hề biết chúng tôi phải ăn cơm với rau muống, nước tương, đậu hủ từ năm này qua tháng nọ…
Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, Công ty CP May Sài Gòn 3 (thuộc Công ty TNHH 1TV Dệt may Gia Định)
Ba người trong căn phòng 6m2
Để tiết kiệm chi tiêu, tôi và 2 cô bạn cùng công ty thuê căn phòng chưa đầy 6 m2. Phòng trọ nhỏ, ngột ngạt thế nhưng mỗi tháng chúng tôi phải trả tiền thuê 800.000 đồng/tháng, điện 3.500 đồng/kwh, dùng nước giếng với giá 30.000 đồng/người/tháng. Bản thân tôi tuy chưa có gia đình nhưng hằng tháng phải gửi tiền về quê cho mẹ và em trai đang đi học.
Vừa qua, khi giá xăng tăng thì lập tức bó rau, con cá, gạo, muối, bột ngọt… ngoài chợ đều đồng loạt tăng giá nên càng đè thêm gánh nặng lên vai CN. Tôi còn độc thân thì có thể dễ xoay sở, tiết kiệm được nhưng các chị có chồng, có con thì khó mà chống đỡ nổi với tình hình giá cả hiện nay. Vì thế, CN chúng tôi rất mong có mức tăng lương hợp lý để có thể sống và tích lũy, đến khi không còn sức lao động CN không phải là gánh nặng cho xã hội.
Chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân một Công ty tại KCN Tân Tạo
Bữa ăn ngon là điều xa xỉ
Cả hai vợ chồng tôi đều làm CN, tổng thu nhập chưa tới 9 triệu đồng nhưng phải dành dụm gửi tiền về quê nuôi con nên phải chắt bóp đủ thứ mới có thể trụ lại TP HCM. Để tiết kiệm chi tiêu, nhiều CN còn chọn cách cắt giảm chất lượng bữa ăn hàng ngày. Dù biết làm việc vất vả nhưng ăn uống thiếu chất sẽ khiến cơ thể suy nhược nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Nói vậy để hình dung cuộc sống CN hết sức chật vật. Đại diện VCCI có bao giờ xuống nhà trọ cùng dùng chung bữa cơm với anh em CN hay chưa mà lại đề xuất mức tăng chỉ 10%? DN luôn cho rằng người lao động là vốn quý, cần phải chăm sóc nhưng khi xem xét điều chỉnh nâng LTT thì lại ky bo, cò kè thêm bớt, điều này thật khó chấp nhận. Thử hỏi với đồng lương không đủ sống thì sao CN chúng tôi hết lòng với DN? Tôi tán thành mức đề xuất 16,8% của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Công nhân đi chợ chỉ dám mua mớ rau, cái đậu, sống trong nhà trọ tồi tàn, ẩm thấp- ảnh chụp tại chợ Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội ngày 26-8 ẢNH: VĂN DUẨN
Lương tối thiểu còn chênh lệch 25-26% so với mức sống tối thiểu
Kết quả khảo sát thực tiễn cuộc sống người lao động của Ban Chính sách và Viện Công nhân - Công đoàn cho thấy tiền LTT mới đáp ứng 74- 75% mức sống tối thiểu. Việc tiền LTT còn chênh lệch 25-26% so với mức sống tối thiểu là không đúng với quy định của Bộ Luật Lao động.
Tổ chức Công đoàn sẽ đấu tranh mạnh mẽ để NLĐ được đảm bảo quyền lợi theo quy định của Hiến pháp và pháp luật lao động"- ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định.
Bình luận (0)