Gặp chúng tôi sau cuộc họp kỷ luật người lao động (NLĐ) mới đây, giám đốc nhân sự một công ty chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp tại
TP HCM than phiền: “Công ty vừa bị khách hàng cắt hợp đồng do nhân viên liên tục bỏ trực và tiếp tay cho kẻ xấu lấy cắp tài sản có giá trị lớn. Gọi về công ty họp xử lý kỷ luật thì họ tắt điện thoại, mặc cho ban giám đốc gánh hết hậu quả”.
Liên tục đòi hỏi
Bảo vệ chuyên nghiệp là một nghề đặc thù, đòi hỏi người làm nghề phải trung thực và tận tâm. Tại công ty nêu trên, nhằm khuyến khích nhân viên làm việc ở tỉnh xa, công ty ban hành nhiều chính sách ưu đãi như phụ cấp nhà trọ, xăng xe, phụ cấp khu vực và tiền cơm trưa. Với sự đãi ngộ này, thu nhập của nhân viên ở tỉnh cao hơn đồng nghiệp tại TP HCM từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, thay vì đáp lại sự ưu ái ấy bằng thái độ làm việc nghiêm túc thì một số nhân viên lại yêu sách, đòi hỏi và khi không được đáp ứng thì họ trở mặt, gây hại cho công ty.
Nhắc lại vụ xử lý kỷ luật lao động 5 nhân viên làm việc tại một mục tiêu ở tỉnh Bình Dương, bà giám đốc nhân sự cho biết dù đã được ưu ái hết mức nhưng nhóm này vẫn liên tục đòi hỏi. Thoạt đầu là đòi nâng phụ cấp làm đêm, cấp thêm đồng phục trực đêm. Thấy yêu cầu của nhân viên hợp lý, ban giám đốc đồng ý. Sau đó, họ tiếp tục đòi nâng lương nhưng bị từ chối. Khi yêu cầu không được đáp ứng, cả nhóm “trở quẻ” bằng cách bỏ ca trực, sau đó còn tiếp tay cho kẻ xấu trộm cắp tài sản doanh nghiệp (DN) - nơi họ được bố trí làm việc. “Hành vi của các nhân viên không chỉ khiến công ty mất uy tín với khách hàng mà còn ảnh hưởng đến công ăn việc làm của các nhân viên khác” - bà giám đốc nhân sự bức xúc.
Hành xử có trách nhiệm
Từng giải quyết nhiều vụ tranh chấp lao động, ông Nguyễn Thanh Sang - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi, TP HCM - đúc kết: “Sòng phẳng trách nhiệm là cách hành xử cần thiết trong quan hệ lao động. DN không thể đòi hỏi NLĐ làm tốt nếu chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ; ngược lại, NLĐ cũng phải hành xử có trách nhiệm chứ không chỉ biết yêu cầu, đòi hỏi”.
Điều này đã được minh chứng trong thực tế. Mỗi khi nhắc đến tập thể lao động tại công ty, ông Hà Duy Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng (tỉnh Bình Dương), rất tự hào. Nhiều năm qua, không chỉ bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho 10.000 công nhân (CN), công ty còn thực hiện tốt nghĩa vụ trích nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều chính sách đãi ngộ CN. Mọi NLĐ bất kể ở vị trí nào cũng đều được tạo cơ hội phấn đấu với chế độ lương, thưởng thỏa đáng. Đời sống tinh thần của CN cũng được DN chăm lo chu đáo với việc đầu tư hơn 1 tỉ đồng xây sân bóng cho CN vui chơi sau giờ làm việc. Được chăm lo chu đáo, tập thể CN luôn coi DN là nhà, tận tâm làm việc. Công ty là một trong những DN được đánh giá có quan hệ lao động ổn định nhất trên địa bàn tỉnh Bình Dương. “Được chăm lo hết mực, chắc chắn NLĐ sẽ hiểu, từ đó cống hiến sức lực, trí tuệ vì sự phát triển bền vững của DN” - ông Hưng khẳng định.
Bài học quản lý được ông Hưng rút ra cũng là kinh nghiệm của các DN có quan hệ lao động ổn định như Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân (quận Bình Tân, TP HCM) hay Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức (quận Thủ Đức, TP HCM). Cách hành xử có trách nhiệm của DN không chỉ tạo thiện cảm cho NLĐ mà còn giúp họ an tâm với sự lựa chọn của mình.
Ông Nguyễn Quang Ngà, Giám đốc Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức, cho rằng quan hệ lao động không đơn giản là anh làm công cho tôi và tôi sẽ trả lương cho anh. Thực tế, có nhiều DN trả lương cao, đãi ngộ cũng tốt nhưng vẫn xảy ra ngừng việc, nguyên nhân một phần do cách hành xử chưa hay xuất phát từ DN lẫn NLĐ.
Bình luận (0)