Trao đổi với phóng về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết: Theo quy định của Luật BHXH năm 2006 thì người lao động (NLĐ) để đạt được tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% thì cần có thời gian đóng BHXH là 30 năm đối với nam và 25 năm đối với nữ. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật BHXH năm 2014, với quan điểm cho rằng cần điều chỉnh công thức tính lương hưu của cả nam và nữ để hướng tới các mục tiêu: Bảo đảm tốt hơn nguyên tắc đóng - hưởng (thời gian đóng, mức đóng phù hợp với thời gian hưởng, mức hưởng); bảo đảm khả năng cân đối dài hạn của quỹ hưu trí và tử tuất và bảo đảm công bằng giữa các nhóm đối tượng. Do tỉ lệ đóng BHXH ở Việt Nam đã được điều chỉnh tăng trong giai đoạn 2010-2014 theo quy định của Luật BHXH năm 2006 và được đánh giá là cao so với các nước khác; còn việc giảm tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa xuống thấp hơn 75% cũng bị nhiều ý kiến phản đối. Vì vậy, Quốc hội đã chọn phương án điều chỉnh nâng thời gian tham gia BHXH của NLĐ để được hưởng lương hưu tối đa 75% như Điều 56 và Điều 74 Luật BHXH 2014:
Từ ngày 1-1-2018, mức lương hưu hằng tháng của NLĐ đủ điều kiện nghỉ hưu được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; LĐN nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Thưa ông, việc thay đổi công thức tính lương hưu như trên có tác động như thế nào với lao động, nhất là đối với LĐN?
- Do quy định công thức tính lương hưu của nữ không có lộ trình thay dần trong vòng 5 năm như của nam nên dẫn đến một số LĐN nghỉ hưu năm 2018 có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017, nhất là người có dưới 30 năm đóng BHXH. Điều này sẽ tạo ra tình trạng sốc do thay đổi chính sách và chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, gây thiệt thòi cho LĐN.
Cụ thể, LĐN có thời gian đóng BHXH từ 30 năm trở lên thì tỉ lệ hưởng lương hưu là giống nhau (đều được hưởng tỉ lệ tối đa là 75%), chỉ khác là người nghỉ năm 2018 có mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu thấp hơn so với người nghỉ hưu năm 2017 là 2,5 lần mức bình quân tiền lương tháng đã đóng BHXH. Đối với LĐN có dưới 30 năm đóng BHXH thì bị tác động lớn hơn. Những LĐN này nghỉ hưu vào năm 2018 có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn so với nghỉ hưu năm 2017 lên đến 10% tùy thuộc vào thời gian đóng BHXH.
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, dự báo năm 2018 sẽ có khoảng 50.000 LĐN nghỉ hưu, trong đó có trên 21.000 người có thời gian đóng BHXH dưới 30 năm, có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn từ 5% -10%.
Theo ông, cần có các giải pháp gì để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên?
- Để khắc phục những tồn tại bất cập nêu trên, theo tôi cần phải xem xét, sửa đổi Điều 56 và Điều 74 Luật BHXH 2014 theo hướng điều chỉnh cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu của nữ được thực hiện có lộ trình nâng dần, đạt được mục đích bình đẳng giới và hạn chế sốc do thay đổi chính sách.
Về lâu dài, bên cạnh nghiên cứu, xem xét sửa đổi bổ sung một cách tổng thể Luật BHXH (trong đó có cả tuổi nghỉ hưu), thì còn cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng cho người lao động về lợi ích của việc duy trì tham gia BHXH, hạn chế hưởng BHXH một lần cũng như về hưu với mức lương thấp hơn.
Bình luận (0)