Trong đó, có hơn 1 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), tăng 12,02% so với năm 2019, với số chi 17.898 tỉ đồng; chi hỗ trợ học nghề 148 tỉ đồng và chi đóng BHYT 806 tỉ đồng. Theo BHXH Việt Nam, số người nhận chế độ TCTN năm 2020 tăng cao so với các năm trước chủ yếu do dịch Covid-19 tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh; một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, bị giải thể, cắt giảm lao động, khiến người lao động (NLĐ) không có việc làm. Bên cạnh đó, điều kiện hưởng TCTN còn chưa chặt chẽ, chưa phản ánh đúng bản chất của thất nghiệp, quy định về giới thiệu việc làm còn chưa cụ thể dẫn đến việc thực hiện còn mang tính chất hình thức. BHTN được xem là điểm tựa cho NLĐ trong trường hợp bị thất nghiệp, mất việc làm, nhất là trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, việc triển khai chính sách này còn gặp nhiều khó khăn như: Điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ chưa phù hợp thực tế. Việc quy định đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng TCTN, dẫn đến tình trạng NLĐ cứ đóng đủ 12 tháng lại chủ động nghỉ việc để hưởng TCTN, sau đó chuyển công việc khác, dẫn đến biến động lao động, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh...
Trước thực tế trên, BHXH Việt Nam đề xuất sửa Luật Việc làm, trong đó tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHTN, bao gồm NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ một tháng trở lên; quy định cụ thể các khoản bổ sung khác làm căn cứ đóng BHXH, BHTN. Đồng thời, sửa điều kiện hưởng TCTN, nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng chính sách thông qua việc chủ động nghỉ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng TCTN; sửa điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề theo hướng hỗ trợ kinh phí để đơn vị tổ chức đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề đối với NLĐ có nguy cơ mất việc làm.
Bình luận (0)