Tôi đến thăm gia đình chị Đặng Thị Yến, nguyên công nhân (CN) Công ty Hoằng Việt (KCX Tân Thuận - TPHCM), khi mẹ chị chuẩn bị bữa cơm chiều cho cả gia đình. Ngồi một chỗ trò chuyện với bé gái hàng xóm, thỉnh thoảng khuôn mặt Yến lộ vẻ đau đớn do cơn đau đầu hành hạ.
“Từ ngày bị tai nạn lao động cho đến giờ, vệ sinh cá nhân nó cũng không thể làm được, rồi bệnh tật liên miên khiến sức khỏe ngày càng giảm sút, chỉ đi loanh quanh chút xíu là mệt” - bà Nguyễn Thị Ta, mẹ chị Yến, thở dài.
Sống trong mặc cảm
Đã 13 năm sau vụ tai nạn kinh hoàng nhưng mỗi lần nhắc lại, chị Yến vẫn còn ám ảnh. Đêm 10-3-1999, trong khi làm vệ sinh máy chải sợi thì hai tà áo của chị bị trục gạt gòn cuốn lấy, kéo theo cả người chị.
Trong lúc hoảng loạn, chị dùng hai tay để gỡ vạt áo ra nhưng rồi cả hai tay cũng bị cuốn vào máy. Tỉnh dậy ở Bệnh viện Chợ Rẫy, chị bị sốc nặng khi thấy cả hai cánh tay không còn nữa. Chị còn bị gãy 5 xương sườn bên trái, phổi tràn dịch. Kể đến đây, Yến ứa nước mắt.
Chuỗi ngày tháng sau khi xuất viện với chị hết sức nặng nề. Đã có lúc chị nghĩ quẫn. Mẹ chị cho biết thời gian đầu xuất viện, Yến chỉ nằm một chỗ, phải mất hơn một năm mới bắt đầu đi lại được. Tất cả mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ vào người khác. Thương đứa con gái bất hạnh, mẹ chị đành nghỉ làm để ở nhà chăm sóc.
Mọi chi phí sinh hoạt trong nhà dồn hết lên vai cha. Sau tai nạn đó, bất hạnh cứ liên tiếp ập xuống gia đình chị. Nợ nần chồng chất khiến ba mẹ chị phải bán nhà để trả nợ, dắt díu nhau đi ở trọ tại huyện Nhà Bè cho đến bây giờ. Ba chị chạy xe ôm, trụ cột duy nhất trong gia đình 4 miệng ăn, sau một cơn tai biến đã mất sức lao động, đẩy cả nhà vào cơn khốn khó cùng cực.
Từ ngày bị tai nạn lao động, mọi sinh hoạt của chị Đặng Thị Yến đều cần sự giúp đỡ của mẹ
Năm 2009, sau khi phẫu thuật u xơ tử cung, sức khỏe của Yến giảm sút trông thấy, chị lại còn mang trong người hàng loạt căn bệnh nguy hiểm như hở van tim, viêm hang vị bao tử, sỏi thận.
“Cuộc sống của cả nhà giờ chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp 1,8 triệu đồng hằng tháng và thu nhập bấp bênh của đứa cháu. Từ ngày bị tai nạn và chuyển nhà, tôi cũng ít tiếp xúc với bạn bè vì buồn tủi” - chị tâm sự. Ở tuổi 44, vẫn có người ngỏ ý thương chị nhưng chị không dám nhận lời. “Lúc còn khỏe không thương người ta thì thôi, chứ bây giờ đến ăn uống, tắm rửa tôi còn không tự mình làm được, nhận lời làm gì để làm khổ cả đời người ta” - giọng chị thật buồn.
Học cách tồn tại
Không rơi vào khốn cùng như chị Yến nhưng cuộc sống của chị Trương Thị Thạnh, Công ty Dịch vụ Công ích quận 10 - TPHCM, đã xáo trộn rất nhiều kể từ sau vụ tai nạn lao động vào cuối năm 2000.
Cái đêm định mệnh ấy, khi đang quét dọn vệ sinh ở ngã tư Ngô Gia Tự - Nguyễn Duy Dương (quận 10), nghe tiếng xe máy gầm rú phía sau, chị vội vàng nép sát vào lề đường để tránh nhưng không kịp. Bị xe máy tông trực diện, chị bị chấn thương sọ não với tỉ lệ thương tật 51%. Di chứng để lại sau vụ tai nạn hết sức nặng nề, đầu óc chị từ đó lúc nhớ, lúc quên, không thể tiếp tục làm việc.
Từ một trụ cột trong gia đình, nay phải quanh quẩn ở nhà trông cậy vào sự giúp đỡ của người thân khiến chị bị sốc nặng, tinh thần bị ức chế. “Phải ngồi ở nhà, tôi thấy mình hết sức vô dụng. May mà có đồng nghiệp và người thân động viên, chăm sóc nên tôi mới bình tĩnh lại, tự nhủ phải học cách chấp nhận cuộc sống mới” - chị Thạnh bộc bạch.
Thời điểm chị bị tai nạn, cả gia đình gồm 4 nhân khẩu phải sống nhờ gia đình bên chồng. Chia sẻ khó khăn của chị, lãnh đạo công ty đã hỗ trợ thủ tục để mua nhà thu nhập thấp tại chung cư Nguyễn Văn Lượng (quận Gò Vấp - TPHCM). Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, đến giờ này, cả 4 thành viên trong gia đình vẫn phải sống đời ở trọ. Những năm gần đây, khi hai con lớn lên và làm việc tại công ty cũ của mẹ, cuộc sống gia đình chị đỡ cơ cực hơn.
Có lúc chỉ muốn buông xuôi
Chị Đặng Thị Yến tâm sự: “Khi tỉnh lại tại bệnh viện, tôi vẫn không tin rằng mình sẽ tàn phế suốt đời. Một sự thật quá khủng khiếp mà tôi không thể chấp nhận được, lúc ấy tôi chỉ muốn buông xuôi... Nhưng rồi nghĩ đến ba mẹ ngày ngày túc trực bên giường bệnh chăm sóc, tôi lại thấy mình có lỗi… Lắm lúc nửa đêm, bị cơn đau hành hạ mà tôi không dám cựa mình sợ mẹ thức giấc. Tôi không còn gì để oán than nhưng nhìn khuôn mặt đau khổ của mẹ, tôi không đành lòng ra đi…”. |
Kỳ tới: Gắng gượng mà sống
Bình luận (0)