Số liệu thống kê này do ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (ATLĐ), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), công bố tại cuộc họp báo về Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) năm 2019 tổ chức mới đây.
Về nguyên nhân, Bộ LĐ-TB-XH cho biết do người sử dụng lao động chiếm 46,49%, khi không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện ATLĐ hoặc huấn luyện ATLĐ chưa đầy đủ; thiết bị không bảo đảm an toàn. Chính sự thờ ơ của nhiều doanh nghiệp (DN) đã đẩy người lao động (NLĐ) vào thế phải đối diện với những rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng của bản thân. TNLĐ xảy ra, DN phải gánh chịu thiệt hại do tốn kém chi phí y tế, giám định thương tật, bồi thường, trợ cấp cho nạn nhân… Tuy nhiên, chịu thiệt thòi lớn nhất vẫn là NLĐ. Họ không những bị tổn hại về tính mạng hoặc sức khỏe, khả năng làm việc mà gia đình của họ cũng gặp khốn khó do mất người thân hoặc mất trụ cột lao động trong nhà, dẫn đến cuộc sống bị đảo lộn, thu nhập giảm sút và có thể rơi vào tình trạng đói nghèo. Nhìn rộng hơn, TNLĐ không chỉ gây thiệt hại về vật chất cho DN mà còn để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.
Tháng Công nhân năm nay gắn với Tháng hành động về AT-VSLĐ, do vậy, DN phải thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm điều kiện làm việc an toàn cho NLĐ. Bản thân NLĐ phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo hộ lao động, đặc biệt là kiên quyết từ chối làm việc nếu thấy điều kiện làm việc không bảo đảm an toàn.
Bình luận (0)