Quy định về thời gian làm việc còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó đáng chú ý là cân bằng cuộc sống giữa công việc, bảo vệ sức khỏe, an toàn và hạnh phúc của người lao động (NLĐ). Dưới đây là 9 lý do để lý giải tại sao cần giảm giờ làm cho công nhân (CN).
1- Thể trạng yếu kém
Tình trạng thể lực của lao động Việt Nam ở mức trung bình kém, cả về chiều cao, cân nặng cũng như sức bền, sự dẻo dai. Từ 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3cm và hiện đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ. Hệ quả dẫn đến lực lượng lao động chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu trong sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế.
Cuộc sống công nhân còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn
Theo thống kê của ngành y tế, tuổi thọ trung bình của người dân đã đạt 73,3 tuổi, nhưng trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật. Như vậy, với thời giờ làm việc cao, cộng với mô hình lao động trẻ chủ yếu là công việc thủ công, giản đơn, các bệnh nghề nghiệp sẽ sớm đe dọa năng suất lao động cũng như tình trạng sức khỏe của người Việt Nam
2- Mãi chỉ là lao động giá rẻ
Cả nước hiện có khoảng 17 triệu thanh niên nông thôn có độ tuổi từ 15-30, chiếm 70% số thanh niên và 60% lao động nông thôn. Tuy nhiên, 80% trong số này chưa qua đào tạo chuyên môn. Đặc điểm này là trở ngại lớn cho lao động nông thôn trong tìm kiếm việc làm. Nguồn cung lao động ở Việt Nam hiện nay luôn xảy ra tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động một số ngành dịch vụ (ngân hàng, tài chính, thông tin viễn thông, du lịch).
Lao động Việt Nam chủ yếu là lao động chân tay
Phần lớn lao động xuất thân từ nông thôn, nông nghiệp, mang nặng tác phong sản xuất nông nghiệp tiểu nông, tùy tiện về giờ giấc và hành vi. NLĐ chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, không có khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc.
Với giờ làm tiêu chuẩn 44 giờ/ tuần, 78,6% CN lao động cho biết có cơ hội được học tập nâng cao trình độ tay nghề chuyên môn. Đặc biệt 52,8% hài lòng với khoảng thời gian nghỉ ngơi tăng thêm để phục vụ cho việc học tập nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn tại chính doanh nghiệp đang công tác, cũng như các cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp bên ngoài (Viện CNCĐ, 2019).
3- Khả năng mắc nhiều lỗi hơn đến 20%
Theo tổ chức Lao động Quốc tế - ILO, thời giờ làm việc dài hơn mỗi ngày, hoặc mỗi tuần, có xu hướng làm suy yếu hiệu suất công việc của NLĐ, bao gồm năng suất mỗi giờ. Đôi khi, giờ làm việc dài hơn sẽ bắt đầu tạo ra các rủi ro. NLĐ làm việc quá sức có khả năng mắc nhiều lỗi hơn trong công việc đến 20%.
Tai nạn lao động luôn là nỗi ám ảnh của công nhân
Giảm thời giờ làm việc sẽ góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp; giảm tai nạn lao động do mệt mỏi, mất tập trung. Ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, năm 2018 trên toàn quốc đã xảy ra 7.997 vụ tai nạn lao động làm 8.229 người bị nạn. Trong đó, khu vực có quan hệ lao động xảy ra 578 vụ chết người, làm 622 người chết. Các vụ tai nạn lao động xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí luyện kim. Về nguyên nhân, người sử dụng lao động (NSDLĐ) rây ra 46,49% vụ. Nguyên nhân NLĐ vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 18,42% tổng số vụ. Còn lại 35,06% xảy ra do các nguyên nhân khác như tai nạn giao thông, do người khác, khách quan khó tránh.
4- Thích nghi kém với mô hình lao động mới
Việc tham gia các tương tác xã hội có tác dụng nhất định đối với khả năng thích nghi đối với những mô hình lao động mới, đòi hỏi sự chủ động, tích cực của NLĐ trong việc kết nối với đồng nghiệp; làm việc nhóm; tác phong làm việc; trao đổi, trình bày, bảo vệ quan điểm cá nhân trước lãnh đạo doanh nghiệp. Những kỹ năng mềm đang đặt ra đối với NLĐ trong các mối quan hệ lao động hiện nay là: Giao tiếp, sáng tạo, truyền đạt, đồng cảm, thích nghi và học hỏi. Nếu khai tác tốt phần thời gian dôi dư do giảm giờ làm việc tiêu chuẩn, NLĐ sẽ có cơ hội rèn luyện, thực hành, cải thiện các kỹ năng cần thiết như thuyết trình, tổ chức công việc, quản lý thời gian, làm việc tập thể…, góp phần đem lại tiếng nói và quyền lợi nhiều hơn cho họ trong bối cảnh lao động tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0.
5- Phải tăng ca vì thu nhập thấp
Mức lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp như hiện nay, từ 2,92 triệu đến 4,18 triệu đồng/tháng, chưa phản ánh đúng giá trị sức lao động, chưa thể bù đắp, khuyến khích NLĐ yên tâm làm việc, cống hiến. Ở các lĩnh vực thâm dụng lao động như may mặc, điện tử, công nghiệp chế biến, phần lớn công nhân đều "buộc phải" làm thêm để tăng thu nhập, trang chải chi phí cuộc sống.
Do lương thấp nên nhiều người lao động phải tăng ca để có thêm thu nhập. Ảnh minh họa: H.A
81,2% NLĐ cho rằng chính sách giờ làm tiêu chuẩn 44 giờ/tuần đem lại lợi ích cho họ để làm thêm việc (tăng ca hoặc làm việc khác bên ngoài) để tăng thêm thu nhập. Trong đó, 46,1% cho rằng đem lại lợi ích rõ ràng.
6- 65,2% thiếu thời gian cho chăm sóc con cái
Dưới áp lực của thời gian lao động và sức ép tăng ca, công nhân đành phó mặc gửi con em cho các nhà trẻ/ lớp mẫu giáo tư giá rẻ, thiếu thốn các tiêu chuẩn, điều kiện chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Chủ nhà không có việc làm, không chuyên môn. Phòng trọ làm nơi giữ trẻ với học phí thấp, chất lượng bữa ăn thấp và điều kiện phục vụ chưa đảm bảo. Các cháu chỉ biết ăn và ngủ, không được dạy các kỹ năng cần thiết ở độ tuổi của mình. Do đó, tình trạng trẻ bị bạo hành đang ngày càng trở nên báo động như một số vụ việc ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai thời gian qua.
Bên cạnh đó, NLĐ đang phải làm việc gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Nhiều NLĐ không dám về quê thăm con, ông bà cha mẹ. Ba lý do chính là tâm lý ngại xin nghỉ thêm ngày; không có thời gian di chuyển; tốn kém chi phí. Với mức lương hiện nay, NLĐ đều không có tích lũy. Do đó, nhìn chung, NLĐ luôn thiếu sự chia sẻ tình cảm gắn bó với gia đình, quê hương.
Do đó, 65,2% mong muốn có thêm thời gian cho chăm sóc, kèm cặp con cái; 62,7% cho thăm hỏi, phụng dưỡng cha mẹ; 60% cho nghỉ ngơi tái tạo sức lao động (Viện CNCĐ, 2019).
7- Tỉ lệ ly hôn cao hơn nông dân
Về mối quan hệ vợ chồng trong công nhân lao động, kết quả điều tra do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (2017) cho thấy công nhân, NLĐgiản đơn, phi nông nghiệp có xu hướng ly hôn nhiều hơn so với nông dân. Thời gian tìm hiểu càng ngắn thì càng có nguy cơ ly hôn cao. Trong khi đó, tỉ lệ ly hôn ở Việt Nam lên đến 31,4%. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động, cần đặc biệt quan tâm, không chỉ xét trong phạm vi quan hệ lao động.
8- Rời xa các hoạt động cộng đồng
NLĐ rất ít có cơ hội tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng ở địa phương, đặc biệt với lao động di cư. Trên nhiều khía cạnh, NLĐ vô tình, hay hữu ý, đã bị loại ra khỏi các liên kết xã hội ngoài quan hệ lao động. 74,9% công nhân bức xúc không có sân chơi thể dục, thể thao. 76% bức xúc không có nơi tập thể dục, thể thao. 85,1% bức xúc nơi ở không có nhà văn hoá; 82,6% cho rằng thời gian mở cửa không phù hợp (Viện CNCĐ, 2016)
. Với 44 giờ tiêu chuẩn, vẫn còn đến 52,5% NLĐ chưa hài lòng về cơ hội với tham gia các hoạt động cộng đồng. Vậy với 48 giờ tiêu chuẩn, tỉ lệ này chắc chắn sẽ còn tăng lên rất nhiều.
9- Bất bình đẳng với lao động nữ
Mặc dù, chỉ số phát triển Giới (GDI) của Việt Nam thuộc nhóm 1 trong 5 nhóm (188 quốc gia). Tuy nhiên, lao động nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi về tiền lương, điều kiện làm việc, cơ hội đào tạo, thăng tiến và việc làm bền vững. Tỉ lệ nữ đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật chỉ đạt 26,45%, trong khi tỉ lệ tương ứng của nam là 45,04%. Tiền lương bình quân/tháng của lao động nữ là 4,712 triệu đồng/tháng so với 5,172 triệu đồng/tháng của nam (Tổng LĐLĐVN, 2016).
Bên cạnh đó, cơ hội việc làm của lao động nữ trên 35 tuổi ở các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa bền vững. Vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc còn diễn ra và nhiều nữ nạn nhân chưa dám lên tiếng. Lao động nữ cũng chính là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất từ tác động của CMCN 4.0.
Lao động nữ còn thiệt thòi
Với các vấn đề đặt ra như trên, chính sách giờ làm việc tiêu chuẩn 44 giờ/ tuần và tăng thêm 3 ngày nghỉ sẽ đem lại nhiều lợi ích và giá trị cho lao động nữ. Thứ nhất, cải thiện điều kiện sức khỏe thể lực, trí lực, tâm lực cho lao động nữ; góp phần tái tạo sức lao động và sức khỏe tinh thần. Thứ hai, bảo vệ điều kiện làm việc của lao động nữ xuất phát từ đặc điểm sinh lý riêng có của nữ giới. Thứ ba, có nhiều thời gian chăm sóc con cái như ăn uống, dạy bảo, đưa đón gửi trẻ. Thứ tư, lao động nữ có điều kiện làm thêm tăng thu nhập mà vẫn đảm bảo cân đối cuộc sống của bản thân và chăm lo gia đình. Thứ năm, nhận được nhiều hơn sự chia sẻ của nam giới, người chồng trong các công việc gia đình. Thứ sáu, có cơ hội xem xét tham gia các ngành nghề vốn được coi chỉ phù hợp với nam giới, ví dụ thợ hầm lò. Bên cạnh đó, việc có thêm giờ nghỉ, ngày nghỉ, nam giới có điều kiện chia sẻ nhiều hơn công việc gia đình với phụ nữ. Đây là điều được hướng đến trong các văn bản quy phạm pháp luật và trong các Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, đặc biệt các công ước của ILO.
Bình luận (0)