Thời gian qua, nội dung "tăng giờ làm thêm trong các trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm và tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 đối với nam và 60 đối với nữ" trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) không nhận được sự đồng tình của công nhân (CN) trực tiếp sản xuất.
Đừng vắt kiệt sức người lao động
Theo lý giải của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc mở rộng khung giờ làm thêm tối đa là để tăng sự linh hoạt trong bố trí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và mong muốn cải thiện thu nhập của một bộ phận người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, theo các chuyên gia lao động, do mức lương tối thiểu hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu nên nhiều CN mới "nai lưng" để tăng ca, kiếm thêm thu nhập. Hậu quả là sức khỏe của họ giảm sút, đời sống tinh thần nghèo nàn kéo theo những ức chế về tâm lý.
Đại đa số công nhân may không muốn tăng tuổi hưu
Là CN may tại một công ty đóng tại KCN Amata (tỉnh Đồng Nai) được 8 năm, chị Trịnh Thị Ngọt không nhớ nổi mình đã phải tăng ca bao nhiêu lần. Điều khiến chị nhớ nhất là sau mỗi lần tăng ca về khuya, toàn thân đau ê ẩm vì ngồi quá nhiều. Khi còn độc thân, mỗi lần tăng ca về, chị thường mua ổ bánh mì lót dạ, tắm rửa qua loa rồi lăn ra ngủ để sáng hôm sau đi làm. Còn khi đã có gia đình, sau mỗi lần tăng ca về, con gái chị đã chìm vào giấc ngủ. Dù thâm tâm chỉ muốn làm 8 giờ/ngày rồi về phòng trọ chơi đùa với con nhưng chị không có lựa chọn nào khác. "Không tăng ca kiếm thêm thì lấy tiền đâu trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày trong khi thu nhập của hai vợ chồng hằng tháng chưa đến 10 triệu đồng" - chị Ngọt than thở.
Anh Nguyễn Văn Lãi - CN một công ty gỗ ở KCN Biên Hòa 1, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết hằng ngày sau khi tăng ca, anh về đến nhà lúc 19 giờ 30 phút. Tắm rửa và cơm nước xong xuôi cũng đã tối, do vậy anh không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi hay tiếp xúc, tìm hiểu bạn bè khác giới. Đó cũng là lý do vì sao gần 30 tuổi, anh Lãi vẫn chưa có mối tình nào vắt vai.
Ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai, cho rằng trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, nhiều loại máy móc đã có thể thay thế sức lao động của con người thì không có lý gì lại bắt CN phải tăng giờ làm thêm. Nhiều DN dệt may, da giày, gỗ, chế biến thủy sản, sản xuất linh kiện điện tử cứ đến dịp cuối năm có nhiều đơn hàng thường tranh thủ huy động CN tăng ca để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Nhu cầu này là có thật, song trên thực tế có không ít DN tìm đủ mọi cách để ép CN phải tăng ca dù họ không muốn. "Nếu luật cho phép tăng giờ làm thêm từ 300 giờ/năm như hiện nay lên 400 giờ/năm thì nguy cơ nhiều DN vịn vào đó để vắt sức NLĐ hiện có, không tuyển lao động mới" - ông Vũ Ngọc Hà nêu quan điểm.
Doanh nghiệp không đồng tình tăng tuổi hưu
Cách đây khoảng 2 năm, tại tỉnh Đồng Nai rộ lên tình trạng một số DN chuyên gia công da giày, may mặc "khuyến khích" CN từ 35 tuổi trở lên nghỉ việc đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều NLĐ. Từ đó có thể thấy rằng sau tuổi 35 hoặc kéo dài đến tuổi 50, sức lực của NLĐ, đặc biệt là những CN trực tiếp sản xuất đã giảm sút nhiều và DN cũng không còn nhu cầu sử dụng.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Minh, CN Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam (KCN Long Bình, TP Biên Hòa) không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu lao động nữ như dự thảo Bộ Luật Lao động. "Ngồi suốt 8 giờ để lắp ráp các linh kiện điện tử đã khiến nhiều CN chưa đến tuổi 40 đã chân yếu, mắt mờ, lưng khòm. Tôi dám khẳng định những CN trực tiếp sản xuất như chúng tôi không thể trụ nổi đến 60 tuổi. Tôi mong các vị lãnh đạo hãy đặt mình vào vị trí của NLĐ để đưa ra quyết định hợp lòng dân" - chị Minh bày tỏ.
Không chỉ riêng NLĐ mà ngay cả chủ các DN cũng không đồng tình với việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ. Ông Lê Minh Phương, Giám đốc nhà máy Công ty TNHH Asia Garment Manufacturer Việt Nam (KCN Amata, TP Biên Hòa), cho hay công ty chuyên về may mặc nên phần lớn là lao động phổ thông. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ gây nhiều khó khăn cho DN. Bởi nhiều lao động từ 40 tuổi đã có năng suất làm việc kém hơn những lao động trẻ, đó là chưa kể họ thường xuyên xin nghỉ làm để đi khám bệnh vì sức khỏe yếu và nhiều lý do khác. "Do đó, một phân xưởng đang làm việc liên tục với khoảng vài trăm CN nhưng chỉ cần 5 CN nghỉ hoặc sức khỏe yếu là đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sản xuất của DN" - ông Phương cho biết. Bà Trần Huỳnh Thanh Lan, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (KCN Biên Hòa 1, TP Biên Hòa), cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và phải căn cứ vào đặc điểm từng ngành nghề để có phương án cụ thể thay vì tăng đồng loạt đối với NLĐ ở tất cả ngành nghề.
“Tăng giờ làm thêm là hạn chế quỹ thời gian để NLĐ nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình, vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động xã hội nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và nâng cao trình độ. Việc nâng tuổi nghỉ hưu cũng cần được cân nhắc để tránh gây hệ lụy”.
Bà NGUYỄN THỊ NHƯ Ý(Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai)
Bình luận (0)