“Tôi chở đoàn từ thiện này từ cái hồi nhiều anh bác sĩ trong đoàn còn là sinh viên. Sau này mấy ảnh ra trường, làm bác sĩ, giảng dạy rồi bây giờ lại tiếp tục dẫn các thế hệ sinh viên tiếp theo vào các chuyến từ thiện”. Ông Châu Minh Hải, tài xế xe khách, nói như vậy trong chuyến chở đoàn cán bộ, nhân viên, bác sĩ Trường ĐH Y Dược TP HCM đi khám chữa bệnh cho đồng bào các tỉnh miền Trung bị bão lũ mới đây. Đều đặn từ nhiều năm nay, Công đoàn (CĐ) Trường ĐH Y Dược TP HCM bên cạnh việc chăm lo cho cán bộ, CNVC-LĐ đơn vị mình, còn tổ chức các hoạt động chăm lo cho người dân các địa phương vùng sâu, vùng xa, thể hiện trách nhiệm của người thầy thuốc trước những khó khăn của cộng đồng.
Xa cỡ nào cũng đi
Khi cơn lũ dữ vào tháng 10 vừa đi qua, CĐ Trường ĐH Y Dược TP HCM đã phát động phong trào quyên góp để thực hiện chuyến thăm, tặng quà, khám chữa bệnh cho người dân Quảng Bình, một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Mỗi chuyến đi từ thiện là một cuộc trải nghiệm đối với các thầy thuốc trẻ
Xuất phát từ TP HCM, dù với khoảng cách hơn 1.200 cây số nhưng đoàn vẫn chọn phương tiện là xe khách, vừa chở người vừa chở hàng, di chuyển liên tục 30 giờ cả ngày lẫn đêm để đến với đồng bào vùng lũ. Với nhiều cán bộ, giảng viên, bác sĩ, sinh viên tình nguyện của trường, những chuyến đi cứu trợ nhọc nhằn như vậy đã trở thành một nét văn hóa.
Lý giải việc này, bác sĩ Phạm Văn Tấn, Chủ tịch CĐ trường, cho biết: “Chúng tôi phải đến tận nơi để hiểu hết những khó khăn, mất mát của bà con. Như chuyến đi Quảng Bình vừa rồi, tiền đóng góp của anh chị em mỗi người một ngày lương; có người lương chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng nhưng vẫn tham gia nên mình phải sử dụng sao cho xứng đáng, đúng mục đích; càng tiết kiệm càng có thêm quà, thuốc cho bà con. Nhiều anh em bận việc, muốn về sớm bằng máy bay đều tự bỏ tiền túi”.
Có mặt trong đoàn công tác xã hội, chị Bùi Thanh Giang, một nhân viên hành chính của trường, cho biết không chỉ khám bệnh, phát thuốc, hoạt động từ thiện của CĐ trường còn mở rộng ra với việc xây dựng nhà tình thương cho người dân.
Chẳng hạn ở Khánh Hòa vừa qua, đã bàn giao được 14 căn hay ở quận 8, TP HCM, trường hỗ trợ hộ nghèo chống dột, sửa nhà… Đáng nói là các hoạt động từ thiện của CĐ trường luôn được các nhà hảo tâm tin tưởng, tham gia góp công, góp của.
Mong người dân bớt khổ, bớt bệnh
Gắn bó với phong trào từ những ngày đầu, bác sĩ Huỳnh Nghĩa cho biết khó mà kể hết các kỷ niệm buồn vui. Nhiều chuyến vào vùng sâu, vùng xa, phát hiện những ca bệnh khó, người dân không có điều kiện, các bác sĩ, cán bộ trong đoàn rủ nhau ủng hộ kinh phí để đưa về Bệnh viện ĐH Y Dược điều trị.
“Sự cố trong các chuyến đi không hiếm. Như có lần đi Bến Tre, xe chạy theo đường khác không như lộ trình dự kiến, giữa đường không hiểu sao lại kẹt xe. Mấy em sinh viên chạy ra xem rồi quay lại bảo có tai nạn. Tôi và mấy anh em chạy lên thấy người bị nạn ngưng thở mới lao vào sơ cứu, đến khi người bệnh thở lại mới thôi. Mình là bác sĩ, lúc nào cũng mang đủ đồ nghề theo nên gặp chuyện là phải nhào vô làm” - bác sĩ Huỳnh Nghĩa cho biết.
Theo chị Cao Nguyễn Huỳnh Loan, điều dưỡng Bệnh viện ĐH Y Dược, ngoài việc cống hiến ngày công, nhiều người còn sử dụng luôn ngày phép năm của mình để làm công tác xã hội từ thiện. Hơn thế, có không ít những chuyến đi mà các thành viên tham gia phải dốc tiền túi mua thuốc tặng bà con.
“Không ít lần dự kiến là thế nhưng số người khám đông quá, không đủ thuốc nhưng không lẽ bảo bà con về? Rốt cuộc, anh chị em chúng tôi dốc tiền túi mua thuốc phát cho bà con. Mà vùng sâu, vùng xa có tiền rồi kiếm được thuốc để mua cũng gian nan lắm. Riết rồi chúng tôi cũng biết vùng nào, chỗ nào hay gặp bệnh gì, cần đem theo nhiều loại thuốc gì cho phù hợp” - chị Loan kể.
Còn bác sĩ Vũ Hồng Thịnh thì tâm sự có đi mới thấy dân mình khổ thế nào, chỉ nghe qua sách báo thôi thì không hình dung nổi. “Thường thì cái nghèo, cái khó để lại trên người dân những cơn đau nhức thường xuyên trên cơ, khớp. Không có điều kiện trị bệnh đã đành, có điều kiện vừa trị bớt, người ta lại phải lao ra đồng làm việc tiếp. Đợt khám ở vùng lũ vừa rồi, chúng tôi phát hiện hầu hết người dân đều có dấu hiệu viêm xoang, mũi. Tội nghiệp lắm, cứ ước gì đời sống khá lên để bà con bớt khổ, bớt bệnh”.
Bình luận (0)