Ngày 28-11, tại TP HCM, Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức hội thảo “Tăng cường khung pháp lý an toàn lao động trong các ngành có nguy cơ cao”.
Hội thảo đã nêu lên thực trạng ở Việt Nam, ngành xây dựng, khai thác khoáng sản và hóa chất là 3 ngành có nguy cơ tai nạn lao động cao nhất. Theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế, trong Dự án về An toàn vệ sinh lao động trong các ngành nguy cơ cao tại Việt Nam, ngành xây dựng chiếm 30% tổng số vụ tai nạn lao động gây chết người; ngành khai thác mỏ chiếm 20% tổng số vụ tai nạn lao động; ngành hóa chất có gần 40% số cơ sở khảo sát có tai nạn lao động, đặc biệt tỉ lệ mắc bệnh nghề nghiệp trong ngành hóa chất cao (chiếm 40% số bệnh nghề nghiệp tại Việt Nam).
Dự án này cũng đánh giá Bộ Luật Lao động Việt Nam đã quy định cụ thể và đầy đủ tất cả các nội dung của công tác an toàn vệ sinh lao động, tuy nhiên, còn bộc lộ một số hạn chế như: Chưa thực hiện cải cách nên chưa phù hợp với thực tiễn; quy định về khai báo, điều tra, thống kê tai nạn lao động chưa đổi mới nên các doanh nghiệp không khai báo, cơ quan quản lý nhà nước không thống kê được con số tai nạn lao động thực tế; quy định trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước còn chồng chéo.
Do vậy, các đại biểu cho rằng xây dựng nội dung dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động cần thống nhất và có quy định riêng về an toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao; bổ sung quy định mới về quản lý an toàn đối với các máy, thiết bị, vật tư; có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong các ngành có nguy cơ cao và tăng cường kiểm soát các hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn. Luật cần quy định cụ thể về trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động tại nơi làm việc đối với ngành nghề có nguy cơ cao.
Tại hội thảo, Ban Chính sách-Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất cần phải có một chương riêng quy định về an toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao, đồng thời quy định cụ thể về trách nhiệm đối với các chủ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực thi pháp luật về an toàn vệ sinh lao động; quy định trách nhiệm quản lý nhà nước theo nguyên tắc một lĩnh vực do một cơ quan phụ trách, chủ trì, nêu rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; nâng cao chế tài đối với các vi phạm quy định về an toàn vệ sinh lao động.
Bình luận (0)