Sau khi học sinh các cấp trở lại trường, hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức (TP Thủ Đức, TP HCM) đã dần ổn định. Đơn hàng dồi dào khiến 220 công nhân (CN) rất phấn khởi bởi trước đó, họ phải ngừng việc tạm thời do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Phải có thiện chí
Tiếp xúc với chúng tôi, các CN Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức đều đánh giá cao nỗ lực của ban giám đốc trong việc ổn định đời sống người lao động (NLĐ), nhất là ở những thời điểm khó khăn.
Khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, do không thể bảo đảm điều kiện sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" nên ban giám đốc buộc phải ra quyết định hết sức khó khăn là tạm dừng hoạt động. Nghe tin, CN rất lo lắng bởi phần lớn là lao động ngoại tỉnh, cuộc sống còn bộn bề khó khăn. Trong thời gian ngừng việc, tiền lương sẽ được chi trả thế nào, CN có được đóng BHXH, BHYT hay không là những băn khoăn của NLĐ.
Cán bộ Công đoàn Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức (bìa trái) luôn nhạy bén, đề xuất doanh nghiệp có chính sách chăm lo, hỗ trợ công nhân Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hiểu nỗi lòng NLĐ, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đã chủ động ngồi lại với Ban Giám đốc Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức nhằm giải tỏa những gút mắc. Rất nhanh chóng, cả Công đoàn cơ sở và chủ doanh nghiệp (DN) sớm tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết tiền lương cho CN trong thời gian ngừng việc tạm thời. Theo đó, toàn bộ CN vẫn được hưởng mức lương cơ bản (4,42 triệu đồng/tháng) cho đến khi dịch bệnh được khống chế. CN càng vui hơn khi công ty cam kết trích nộp đầy đủ BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp cho họ.
"Nhờ thiện chí của ban giám đốc và sự nhạy bén của Công đoàn cơ sở, CN có được khoản tiền lương cơ bản cùng với sự hỗ trợ của Công đoàn nên an tâm chống dịch tại nơi cư trú" - anh Phan Văn Quốc, CN bộ phận ép nhựa, cảm kích.
Là người theo dõi sát sao hoạt động Công đoàn ở Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức, ông Nguyễn Đình Cường, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Đức, cho rằng thiện chí của người sử dụng lao động đóng vai trò then chốt trong việc ổn định quan hệ lao động tại DN.
Theo ông Nguyễn Quang Duẩn, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức, những năm qua, không chỉ ổn định việc làm, thu nhập cho CN, ban giám đốc còn khuyến khích Công đoàn cơ sở nghiên cứu, đề xuất xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý nhằm tạo động lực làm việc cho họ. Thỏa ước lao động tập thể (có hiệu lực đến hết năm 2023) là minh chứng cho sự đồng thuận trong công tác chăm lo cho NLĐ của ban giám đốc và Công đoàn cơ sở. Ngoài quyền lợi theo luật định, CN còn được chăm lo các khoản ma chay, hiếu hỷ (từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng).
Đừng để bức xúc tích tụ
Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính đến hết ngày 12-2, tại 12 tỉnh, thành phố đã xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể - giảm 7 cuộc so với dịp Tết năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu là do NLĐ chưa đồng tình với việc thay đổi hình thức trả lương, nâng lương định kỳ của DN; DN trả thưởng thấp hơn so với Tết năm 2021, điều kiện trả thưởng không rõ ràng, gây bức xúc cho NLĐ.
Điển hình là cuộc ngừng việc tập thể 4 ngày ngay trước Tết tại Công ty TNHH P.C Việt Nam (tỉnh Đồng Nai), do NLĐ không đồng ý việc ban giám đốc thông báo giảm tiền thưởng cuối năm 2021 so với năm 2020 là 30%. Sau Tết là 3 cuộc ngừng việc tập thể xảy ra tại Công ty TNHH V.G (sản xuất giày dép, tỉnh Nghệ An), Công ty TNHH V. (sản xuất giày dép, tỉnh Ninh Bình) và Công ty TNHH P.M (tỉnh Thái Bình). Trong các vụ ngừng việc này, NLĐ yêu cầu tăng lương cơ bản, tăng chế độ độc hại; bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên; phản ánh việc trả lương tháng 13 theo thời gian làm việc chưa công bằng.
Trước tình hình trên, tổ chức Công đoàn đã phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia giải quyết. Lãnh đạo LĐLĐ ở một tỉnh phía Bắc cho biết qua thực tế kiểm tra, làm việc với các DN và tiếp xúc với NLĐ, cơ quan chức năng phát hiện nhiều bất cập, vi phạm của DN trong việc thực hiện pháp luật lao động. "Tỉ lệ DN tổ chức hội nghị NLĐ chỉ đạt 54%. Nhiều chủ DN né tránh tổ chức đối thoại với NLĐ. Do chưa phát huy dân chủ, công khai, minh bạch nên CN có nhiều bức xúc tích tụ, dồn nén" - vị này nhìn nhận.
Ở góc độ quản lý DN, ông Trương Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng (KCN Bình Chiểu, TP Thủ Đức), cho rằng dù tranh chấp lao động xuất phát từ nguyên nhân gì thì người sử dụng lao động cũng phải có thiện chí giải quyết. "Nếu tranh chấp về quyền thì DN phải nhận lỗi và sửa sai, còn tranh chấp về lợi ích thì DN nên ngồi lại bàn bạc với Công đoàn. Việc giải quyết tranh chấp phải hướng đến mục tiêu chung là hài hòa lợi ích DN và NLĐ, có như vậy mới mong ổn định tình hình" - ông Nghĩa góp ý.
Ông NGUYỄN ĐÌNH KHANG - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Đeo bám, hỗ trợ cơ sở bình ổn quan hệ lao động
Dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, yếu tố phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tới đời sống, việc làm, thu nhập của NLĐ, tranh chấp lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do vậy, các cấp Công đoàn cần nắm chắc tình hình quan hệ lao động tại DN; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật, kịp thời phát hiện và đề xuất giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi của NLĐ ở các DN khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, LĐLĐ các tỉnh, thành phố cần thường xuyên nắm tình hình, hỗ trợ, hướng dẫn Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp, đề xuất với người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức đối thoại định kỳ, đột xuất hoặc theo vụ việc theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)