Chiều 9-6, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã chủ trì buổi gặp gỡ báo chí thông tin về chương trình Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ, đối thoại trực tiếp và trực tuyến với công nhân lao động (CNLĐ).
Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại buổi họp báo - Ảnh: Văn Duẩn
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ gặp gỡ, đối thoại với 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố vào sáng ngày 12-6 tại Bắc Giang với chủ đề "Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước".
Chương trình gặp gỡ, đối thoại sẽ có 4.500 CNLĐ tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và tại Tổng LĐLĐ Việt Nam. Cùng dự chương trình đối thoại có bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, đại diện lãnh đạo một số ban xây dựng Đảng Trung ương, một số ủy ban của Quốc hội, một số bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ và đại diện lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, hiệp hội ngành nghề; lãnh đạo tỉnh, thành… Trước đó, đầu giờ sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đi thăm, động viên, tặng quà công nhân tại khu nhà trọ và nhà ở xã hội tại tỉnh Bắc Giang.
Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu - Video: Văn Duẩn
Để chuẩn bị cho Chương trình, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp Công đoàn, các cơ quan báo chí Công đoàn mở diễn đàn, tổ chức nghiên cứu, nắm bắt, tổng hợp kiến nghị, ý tưởng, đề xuất của công nhân lao động với Đảng, Nhà nước. Đến nay đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động tập trung vào 10 nhóm vấn đề.
Trao đổi với báo chí, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết có 10 nhóm vấn đề chính được CNLĐ quan tâm nhất sẽ được chuyển tới người đứng đầu Chính phủ gồm, trong đó vấn đề tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022 có tới hơn 36% CNLĐ quan tâm.
Vấn đề thứ hai là sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) theo hướng tạo được niềm tin lâu dài với NLĐ để họ không rút BHXH 1 lần. "Không ít ý kiến bày tỏ: biết rằng rút BHXH 1 lần là không có lương hưu khi về già nhưng khó khăn quá, đợi đóng BHXH rất dài ngày không biết bao giờ chúng tôi mới được nhận lương hưu, trong khi nhiều người phải chấm dứt hợp đồng lao động ở tuổi 40".
Vấn đề thứ ba là đề nghị Thủ tướng chỉ đạo, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách hỗ trợ cho NLĐ khi quá lâu mà vẫn chưa được hưởng, như hỗ trợ NLĐ bị mắc covid-19, hỗ trợ học sinh mầm non là con NLĐ bị mắc Covid-19; chế độ hỗ trợ tiền thuê nhà cho CNLĐ.
Vấn đề thứ tư là bức thiết về nhà ở, trường học, thiết chế công đoàn cho CNLĐ. "Ngoài lương thì vấn đề bức thiết nhất với NLĐ là nhà ở, trường học, thiết chế công đoàn. Đây là vấn đề lâu dài mà công nhân rất quan tâm".
Vấn đề thứ năm là chính sách hỗ trợ tín dụng cho CNLĐ để hạn chế "tín dụng đen". "Anh em công nhân rất mong có chính sách tín dụng riêng cho công nhân, trong đó có hỗ trợ quỹ CEP của Tổng LĐLĐ Việt Nam. "Khi có hỗ trợ tín dụng cho công nhân thì sẽ hạn chế được tình trạng "tín dụng đen" đang hoành hành đang gây ra những hệ lụy rất lớn cho xã hội, trong đó có CNLĐ"- ông Hiểu nói.
Cùng với đó là các chính sách đào tạo nghề cho CNLĐ; xử lý những DN vi phạm pháp luật về các chế độ đối với NLĐ; Nơi khám chữa bệnh; an toàn thực phẩm; chợ cung cấp nhu cầu thiết yếu cho CNLĐ là những vấn đề công nhân rất quan tâm.
Buổi gặp gỡ, đối thoại là diễn đàn để đoàn viên, CNLĐ được gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ; được Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết các vấn đề được nêu và truyền thông điệp tới NLĐ cả nước. Đây là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động sôi nổi của Tháng Công nhân năm 2022.
Thông qua Chương trình, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội đối với CNLĐ; tiếp tục triển khai Chương trình Công đoàn đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đất nước, chăm lo đời sống, việc làm cho đoàn viên, NLĐ; khẳng định quyết tâm, khát vọng của công nhân lao động tích cực thi đua lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
Bình luận (0)