Thu nhập chỉ đủ sống, từ 8-12 triệu đồng/tháng nhưng 10 đoàn viên thuộc Nghiệp đoàn (NĐ) Xích lô Hội An (tỉnh Quảng Nam) vẫn đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Mục đích tham gia của họ là để khi tuổi cao sức yếu, có khoản thu nhập trang trải cuộc sống, hạn chế phụ thuộc vào con cái.
Lao động tự do muốn có lương hưu
Ông Phan Phước Tùng (58 tuổi), Chủ tịch NĐ Xích lô Hội An, cho hay các đoàn viên mới tham gia BHXH tự nguyện khoảng 1 năm nay. Tùy thuộc vào thu nhập mà mỗi người lựa chọn mức đóng khác nhau, có thể 500.000 đồng, 700.000 đồng hay hơn 1 triệu đồng mỗi tháng... Bản thân ông Tùng có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng và chọn mức đóng là 1,1 triệu đồng/tháng. "Tôi bắt đầu tham gia BHXH muộn nhưng nếu thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm theo như đề xuất tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) thì vẫn có cơ hội được hưởng lương hưu" - ông Tùng hy vọng.
Cán bộ BHXH tỉnh Quảng Nam tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện cho người dân. Ảnh: CAO HƯỜNG
Ngoài số đang tham gia, một số thành viên khác trong 102 đoàn viên NĐ cũng đang cân nhắc việc tham gia BHXH tự nguyện. Ông Huỳnh Tân (47 tuổi) chia sẻ với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng lại đang phải nuôi 2 con học đại học và THPT nên khá khó khăn. Tuy nhiên, nếu ngoài chế độ hưu trí, tử tuất, BHXH tự nguyện có thêm nhiều quyền lợi hơn thì ông sẽ cố gắng dành khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng để tham gia BHXH tự nguyện.
Cũng muốn được hưởng lương hưu khi về già nên sau khi nghỉ việc ở Công ty TNHH chế biến thực phẩm Quảng Nam, bà Trần Thị Thanh Ân (45 tuổi, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã duy trì việc đóng BHXH của mình bằng cách tham gia BHXH tự nguyện. Với công việc bán đồ ăn sáng, thu nhập không ổn định, lại đang nuôi con ăn học nên thời gian qua bà chọn mức đóng là 1,2 triệu đồng/năm. Hiện tại, cuộc sống gia đình bà Ân dần ổn định hơn do con sắp tốt nghiệp đại học. Do vậy, bà dự định nâng mức đóng để hưởng mức lương hưu cao hơn.
Mỗi năm vận động được hơn 1.500 người dân tham gia BHYT hộ gia đình và hàng trăm người tham gia BHXH tự nguyện, bà Phạm Thị Thức là một trong những cộng tác viên đại lý thu xuất sắc ở TP Tam Kỳ. Bà Thức cho hay việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện khó khăn hơn tham gia BHYT bởi mức đóng cao và thời gian chờ hưởng quyền lợi lâu. "Khi tôi vận động, nhiều người dân có ý kiến rằng nếu BHXH tự nguyện được tích hợp thêm BHYT và có các chế độ về thai sản, bảo hiểm tai nạn... thì họ sẽ tham gia" - bà Thức cho hay.
Giảm thời gian đóng, thêm chế độ ngắn hạn
Theo BHXH Việt Nam, giai đoạn trước năm 2019, bình quân số người tham gia BHXH tự nguyện tăng khoảng từ 20% đến 30% so với năm trước và bắt đầu tăng mạnh từ năm 2019. Cụ thể, năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt hơn 558.000 người, gấp 2 lần so với năm 2018. Năm 2020 số người tham gia BHXH tự nguyện đạt hơn 1,12 triệu người, gần gấp đôi so với số tham gia năm 2019 và bằng khoảng 12 năm trước cộng lại. Từ năm 2021 đến nay, tốc độ tăng BHXH tự nguyện có xu hướng chậm lại. Năm 2021 số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,44 triệu người (tăng 29% so với năm 2020), năm 2022 có 1,46 triệu người tham gia (tăng 0,85% so với năm 2021).
Ở TP HCM, ngoài phối hợp với các đơn vị, sở ban ngành, tổ chức chính trị xã hội, báo chí... tổ chức các cuộc tuyên truyền, BHXH thành phố còn ký kết hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT trên địa bàn, song trong 5 tháng đầu năm 2023, chỉ phát triển được hơn 31.000 người tham gia BHXH tự nguyện.
Theo ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, sở dĩ NLĐ chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện là vì họ chủ yếu tự tạo công ăn việc làm, hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, thu nhập không ổn định nên không có nguồn tài chính để tham gia bảo hiểm lâu dài. Bên cạnh đó, NLĐ chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc tham gia BHXH; tỉ lệ đóng BHXH tự nguyện còn cao, thời gian đóng kéo dài (20 năm)...
Thời gian tới, ngoài đề xuất UBND thành phố xem xét hỗ trợ thêm kinh phí tham gia BHXH cho người dân, BHXH thành phố cũng kiến nghị giảm thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu và mở rộng chế độ ngắn hạn.
Tương tự, dù đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động nhưng tính đến tháng 7-2023, số người tham gia BHXH tự nguyện tại tỉnh Quảng Nam chỉ đạt 19.779 người, giảm 1.795 người so cuối năm 2022. Kết quả khảo sát cuối năm 2021 cho thấy toàn tỉnh có khoảng 700.000 người chưa tham gia BHXH, trong đó có 648.000 người làm việc trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, còn lại là lao động phi chính thức ở thành thị.
Đa số họ thu nhập thấp, đời sống khó khăn, trong khi mức hỗ trợ của Chính phủ đối với người tham gia BHXH thấp. Từ năm 2022, người tham gia BHXH tự nguyện được UBND tỉnh hỗ trợ thêm 10% mức đóng đối với hộ nghèo, cận nghèo và 5% với các đối tượng khác. Song nghịch lý là sau khi hỗ trợ thêm, số người tham gia không tăng mà lại giảm.
Nguyên nhân vì dịch bệnh, suy thoái kinh tế và do từ tháng 1-2022 mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng hơn gấp đôi khiến người dân khó tiếp cận. Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Nguyễn Quí Quý, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam, ngoài chế độ hưu trí, tử tuất cần nghiên cứu tăng thêm nhiều quyền lợi khác cho người tham gia BHXH tự nguyện khi sửa đổi Luật BHXH.
Bình luận (0)