Tại tọa đàm "Nghiên cứu mở rộng chế độ thai sản trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Việt Nam" do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức mới đây ở TP HCM, nhiều đại biểu cho biết lao động trong khu vực phi chính thức thường có thu nhập thấp và bấp bênh, do đó khi gặp rủi ro, họ không có chỗ dựa an sinh cần thiết. Do vậy, nhà nước cần có chính sách an sinh hợp lý dành cho đối tượng này.
Nên nâng mức hỗ trợ
Trong dự án Luật BHXH sửa đổi đang được lấy kiến rộng rãi, cơ quan soạn thảo bổ sung chế độ thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện (hiện hành chỉ có lương hưu và tử tuất). Dự thảo quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản là người lao động (NLĐ) phải đóng BHXH tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Mức hưởng chế độ thai sản là 2 triệu đồng cho một con mới sinh, nguồn chi do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Đoàn viên nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn nhận thẻ BHYT tự nguyện do LĐLĐ quận 6, TP HCM trao tặng .Ảnh: HUỲNH NHƯ
Theo quy định hiện hành, nếu đóng BHXH tự nguyện mức thấp nhất (chuẩn nghèo nông thôn hiện nay) thì người tham gia phải đóng 1,98 triệu đồng. Giả sử được nhà nước hỗ trợ mức tối đa 30% theo đối tượng là hộ nghèo (tương đương 594.000 đồng) thì số tiền người tham gia phải đóng vào quỹ BHXH là hơn 1,3 triệu đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Phòng chế độ BHXH TP HCM, với mức hỗ trợ được đề xuất trong dự thảo, sau khi trừ kinh phí đã tham gia, số tiền thực chất người tham gia nhận được chỉ 614.000 đồng. Rõ ràng, việc bổ sung quyền lợi thai sản là cần thiết nhưng chỉ tác động đến nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh con. Do đó, mục đích tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện chưa đạt.
Để thu hút người tham gia BHXH tự nguyện, bà Nga đề xuất nhà nước nên nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% với hộ nghèo, 25% lên 35% với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các nhóm còn lại. Điều này có thể làm tăng ngân sách trước mắt nhưng về lâu dài vẫn ít hơn số tiền nhà nước dùng để chi trợ cấp xã hội cho người không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng.
Tương tự, ông Nguyễn Hải Đạt, chuyên gia ILO, phản ánh quyền lợi phụ nữ khi thai sản cực kỳ quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến đối tượng này mà còn cả thế hệ tương lai. Thực tế, rất nhiều phụ nữ bị mất thu nhập nhưng không được bù đắp. Sau khi sinh, nhiều người quay trở lại làm việc sau 2 tuần hoặc 1 tháng trong khi thông lệ quốc tế khuyến khích phụ nữ nghỉ ít nhất 14 tháng. Qua khảo sát, nhiều phụ nữ cho biết họ không biết làm gì, chỉ một số ít được gia đình hỗ trợ trong thời gian nghỉ thai sản.
Linh hoạt mức đóng - hưởng
Trong hai năm 2021-2022, LĐLĐ thành phố đã vận động được nguồn kinh phí để giúp 500 lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, có hơn 230 nữ, nhiều người trong độ tuổi sinh sản, nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất của đội ngũ cán bộ Công đoàn thành phố là theo quy định hiện hành, lao động tự do khi tham gia BHXH tự nguyện không được hưởng chế độ thai sản.
Nhiều đại biểu đại diện các sở ngành, cơ quan BHXH, LĐLĐ, Hội LHPN các cấp và các doanh nghiệp cho biết nhiều trường hợp phụ nữ không có chế độ thai sản, buộc phải đi làm sớm để kiếm thêm thu nhập. Điều này không bảo đảm sức khỏe, an toàn cho cả mẹ và bé. Đời sống khó khăn cũng khiến NLĐ không đủ điều kiện tham gia BHXH tự nguyện, BHYT…
Mặt khác, nguyên nhân khiến người tham gia BHXH tự nguyện thấp là vì quyền lợi khi hưởng các chế độ BHXH tự nguyện không hấp dẫn như BHXH bắt buộc. Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Liên, Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ thành phố, lao động nữ (LĐN), nhất là lao động tự do có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện rất lớn nhưng họ không có cơ hội tiếp cận vì thu nhập quá thấp. Do vậy, mở rộng quyền lợi thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện là hợp lý nhưng cần tính toán mức hỗ trợ phù hợp.
"Mức hưởng nên linh hoạt theo mức đóng, thời gian tham gia, chứ không nên cứng nhắc là 6 tháng. Mức hưởng thỏa đáng sẽ giúp công tác vận động người tham gia BHXH tự nguyện thuận lợi. Thời gian tham gia BHXH tự nguyện cũng nên linh hoạt với các mức từ 10 năm, 15 năm thay vì 20 năm" - bà Liên đề xuất.
Bà Nguyễn Thị Kim Vui, Chủ tịch Công ty TNHH Cơ điện Minh Khoa (quận Tân Phú, TP HCM), cho biết công ty có 112 lao động (37 LĐN). Để hỗ trợ LĐN, ngoài bố trí cho họ nghỉ khám thai đúng quy định, công ty còn sắp xếp công việc nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe; LĐN nuôi con nhỏ được đi trễ hoặc về sớm 1 giờ để chăm con…
Tuy nhiên, theo bà Vui, không phải DN nào cũng ưu ái LĐN và điều này sẽ khiến họ thiệt thòi. Thực tế, không ít trường hợp LĐN đang mang thai, nuôi con nhỏ bị công ty cho nghỉ việc. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách tại các doanh nghiệp có đông LĐN để bảo đảm quyền lợi cho đối tượng này.
"Qua khảo sát của ILO, chỉ 30% phụ nữ trong lực lượng lao động được hưởng chế độ thai sản. Việc mở rộng chế độ thai sản là cần thiết nhưng cần nghiên cứu để có chế độ an sinh xã hội rộng hơn. Cần những giải pháp đồng bộ, chế độ linh hoạt trong chế độ BHXH để bảo đảm tính lâu dài, bền vững".
Bà ĐÀM THỊ VÂN THOA,
Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp Trung ương Hội LHPN Việt Nam
Bình luận (0)