Theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần 2 đang lấy ý kiến từ tháng 4 đến tháng 6.2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đưa ra 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án 1: Giữ như hiện hành, tuổi nghỉ hưu của nam là đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Phương án 2 (tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình): Áp dụng từ ngày 1.1.2021, mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Mỗi năm tăng 6 tháng
So với dự thảo lần 1 là lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu mỗi năm thêm 3 tháng, điểm mới của dự thảo lần này là tuổi nghỉ hưu mỗi năm tăng thêm 6 tháng. Nếu như trước đây, nữ phải mất 20 năm mới đạt tuổi nghỉ hưu ở tuổi 60 và nam mất 8 năm để đạt tuổi nghỉ hưu ở tuổi 62 thì theo phương án mới lộ trình tăng được đẩy nhanh hơn, nữ chỉ mất 10 năm và nam chỉ mất 4 năm. Thời gian áp dụng tuổi nghỉ hưu 62 cho nam giới từ năm 2025 và tuổi 60 cho nữ giới từ năm 2031.
Lý giải về sự thay đổi này, ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết, trong nhiều lần tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, có ý kiến cho rằng, tăng 3 tháng/năm lắt nhắt, khó khăn cho cơ quan BHXH thực hiện giải quyết các chế độ. Cũng có ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình 1 năm tăng 1 tuổi, áp dụng từ ngày luật có hiệu lực. Vì có những ý kiến trái chiều nên Bộ LĐ-TB-XH quyết định chọn phương án mỗi năm tăng 6 tháng, dung hòa giữa các ý kiến.
“Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ đảm bảo cân đối quỹ BHXH, góp phần cân bằng thời gian đóng – hưởng. Hơn nữa, tuổi thọ bình quân của người Việt tăng lên nhiều so với giai đoạn trước, tốc độ già hóa dân số nhanh nên việc tăng tuổi nghỉ hưu để ứng phó với xu hướng già hóa dân số và thiếu hụt lao động” – ông Diệp nói.
Khá bất ngờ trước đề xuất đẩy nhanh lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn cho rằng, tuyệt đại đa số công nhân được khảo sát gần đây nhất (20.4) đều không đồng ý với phương án mới này và họ đều muốn được nghỉ hưu theo phương án hiện hành. “Có lao động còn nói với tôi, nếu chính sách nhà nước ưu đãi, tiến bộ hơn thì xin cho chúng tôi nghỉ hưu sớm hơn”- ông Thọ nói.
Còn về lộ trình, ông Thọ cho rằng Bộ LĐ-TB- XH quá vội vàng khi đưa ra phương án trên. Bởi mỗi năm Việt Nam có hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, trong khi nền kinh tế vừa bước qua khủng hoảng, đang trong quá trình hồi phục. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ gây tác động rất lớn. “Về cơ bản tôi vẫn ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu nhưng phải đảm bảo được chất lượng lao động. Nhất là trong điều kiện “cách mạng 4.0”, nếu không đủ trình độ, lao động có thể bị thải loại” – ông Thọ nói.
Ảnh hưởng đến kinh tế
Xung quanh nội dung tăng tuổi nghỉ hưu đang được Bộ LĐ-TB- XH lấy ý kiến, nhiều lao động đã phản đối kịch liệt.
Chị Nguyễn Thị Toán (35 tuổi, công nhân Công ty Giày da HongFu Thanh Hóa) cho rằng rất khó để lao động chấp nhận được đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. “Chúng tôi là lao động tay chân, một ngày làm 8 tiếng chưa kể tăng ca (có thể lên tới 10-12 tiếng) đã mệt mỏi lắm rồi, chắc gì đã làm được đến 55 tuổi, nói gì đến 60 tuổi. Nghe nói tăng tuổi nghỉ hưu, lao động như chúng tôi ai cũng oải” – chị Toán nói.
Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, quan điểm nhất quán của tổ chức Công đoàn là kiến nghị để không tăng tuổi nghỉ hưu với khu vực làm việc trực tiếp. Các nước tăng bởi họ làm tự động hóa nhiều, còn ở mình chủ yếu lao động cơ bắp. Nhiều lao động nữ làm ở khu vực da giày, dệt may, thủy hải sản… làm sao làm được tới tuổi nghỉ hưu. “Ban soạn thảo đưa ra những lý do tăng tuổi nghỉ hưu chưa thuyết phục. Theo tôi cần cân đối nhiều mặt về kinh tế và xã hội. Đây là câu chuyện dài, còn phải bàn nhiều” – ông Chính nói.
Theo ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, thực tế rất nhiều nước khi tăng tuổi nghỉ hưu đều phải thực hiện giãn lộ trình. Có nước vài năm tăng một tuổi, có nước mỗi năm chỉ tăng 1 tháng. Điều đó, giúp họ giảm bớt tác động với các vấn đề kinh tế - xã hội.
Theo phân tích sẽ có khoảng 4 triệu lao động trong khu vực hành chính, sự nghiệp sẽ tăng tuổi nghỉ hưu trước. 9 triệu lao động làm việc trực tiếp còn lại sẽ tăng sau. “Lý do của BHXH về việc lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu dài, mỗi năm chỉ 3 tháng sẽ khó khăn cho việc giải quyết chế độ là không hợp lý. Điều này hoàn toàn có thể được giải quyết nếu chúng ta có một bản đánh giá tác động đến thị trường lao động, đến việc làm” – ông Huân nêu ý kiến.
Ông Huân ví dụ, trong khu hành chính lẽ ra mỗi năm sẽ ra khỏi bộ máy 20.000 người, nhưng vì lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu rút ngắn, 20.000 người không về hưu, do vậy việc làm cho người trẻ sẽ hạn chế.
"Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Việt Nam đang bước vào cánh mạng 4.0, phần lớn doanh nghiệp sẽ sử dụng máy móc thay cho lao động chân tay. Rõ ràng, lao động già, sức khỏe yếu năng suất lao động sẽ giảm, ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp do vậy đương nhiên doanh nghiệp cũng không mong muốn tăng tuổi nghỉ hưu”.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
"Theo tôi, lao động khối hành chính, sự nghiệp có thể phải tăng tuổi nghỉ hưu đầu tiên, tiếp đó là viên chức quản lý, những người làm chuyên môn nghiệp vụ tại các doanh nghiệp sẽ tăng tuổi nghỉ hưu cùng công chức. Những lao động trực tiếp sản xuất sẽ là đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu sau cùng”.
Ông Phạm Minh Huân – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH
Bình luận (0)