Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, chị Nguyễn Thùy Linh (quê ở Thái Nguyên), công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) đang tính nghỉ việc tại công ty để về quê làm ăn buôn bán.
Nhiều lao động không muốn kéo dài thời gian làm việc
Ở tuổi 35, lao động chúng tôi thường bị chủ doanh nghiệp đào thải để nhận lao động trẻ hơn, nhất là ở những khâu sử dụng lao động chân tay. Nhưng sau nhiều năm xa nhà, đến tầm tuổi này, chúng tôi cũng muốn về quê chăm nom con cái", chị Nguyễn Thùy Linh cho biết.
Không riêng gì chị Linh, khảo sát cho thấy đây cũng là quan điểm của rất nhiều công nhân lao động tại các khu công nghiệp sau khi đón nhận thông tin về việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động (NLĐ).
Liên quan đến vấn đề này, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho rằng: Khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, cần phải xem xét đến yếu tố sức khỏe, điều kiện môi trường làm việc của NLĐ. Theo đó, đối với lao động làm việc trong lĩnh vực dệt may, da giày hoặc ngành điện tử - những lao động làm việc sản xuất trực tiếp, đa số họ không đồng ý. Bởi họ khó có thể làm việc cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu như đề xuất.
Trên thực tế, không phải người lao động nào cũng có thể chờ đợi đến tuổi nghỉ hưu bởi họ còn phải mưu sinh để nuôi sống gia đình, trang trải những khó khăn đột xuất. Những nhu cầu trước mắt ấy khiến họ phải lựa chọn việc hưởng trợ cấp một lần để giải quyết khó khăn
"Khối cán bộ, công chức sẽ dễ dàng hơn trong việc tăng tuổi nghỉ hưu vì cần sử dụng lao động có kinh nghiệm, chất xám nhưng cũng phải tính tới yếu tố chỉ cần một bộ phận nhỏ, chứ không phải tất cả cán bộ, công chức đều phát huy được hiệu quả. Ngay như trong ngành giáo dục, không phải cô giáo nào cũng muốn đứng lớp khi tuổi cao, nhất là những cô giáo bậc học mầm non, tiểu học; hoặc trong ngành y tế - những bộ phận như hộ lý, y tá, họ làm việc rất vất vả và không phải ai cũng muốn làm tăng tuổi", ông Mai Đức Chính nói thêm.
Ông Mai Đức Chính cũng nhấn mạnh, một trong những mục đích tăng tuổi nghỉ hưu là để cân đối Quỹ BHXH, nhưng cần xem xét và tính toán kỹ hơn. Bởi vì có thể được lợi cho Quỹ BHXH nhưng sẽ bất lợi cho ngân sách nhà nước. Đơn cử, lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường là 2,34; trong khi lương của NLĐ đến tuổi nghỉ hưu ít nhất cũng hơn 5,0 (gấp hơn 2 lần) nhưng chất lượng làm việc của NLĐ đến tuổi nghỉ hưu chưa chắc đã bằng lớp trẻ. Do đó, ngân sách nhà nước phải trả tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần. Đây là bài toán cần cân nhắc kỹ, cả về vấn đề giải quyết việc làm mới và cân đối ngân sách nhà nước.
Cần thực hiện theo lộ trình
Theo dự báo của Tổ chức lao động thế giới (ILO), với các chính sách BHXH như hiện hành, năm 2021, thu không đủ chi trong năm. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu, quỹ mất cân đối.
"Dù nâng tuổi nghỉ hưu không phải là giải pháp tối ưu nhưng có tác động đến cân đối Quỹ BHXH. Do đó, trong Luật Lao động sửa đổi phải tính toán lộ trình, nhóm nào tăng trước, nhóm nào tăng sau. Trong đó, tăng tuổi nghỉ hưu ưu tiên nhóm có trình độ cao. Nhưng hiện nay có nghịch lý là người trình độ cao muốn về hưu để ra ngoài làm việc. Còn nhóm lao động ngành nghề độc hại chưa nâng tuổi nghỉ hưu nhưng khi điều kiện làm việc tốt hơn thì cũng tính toán nâng tuổi nghỉ hưu. Đó là quyền được làm việc và hưởng thụ", ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết.
Trong khi đó, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng: Nếu tính toán bằng phương pháp toán học đơn thuần thì việc mất cân đối Quỹ BHXH liên quan đến quan hệ đóng - hưởng. Hiện mức hưởng người nghỉ hưu Việt Nam là 75% và mức đóng 22%, đều là mức cao nhất. Về mặt lý thuyết, nếu người lao động đóng đủ vào quỹ BHXH 30 năm tức là 66 tháng lương.
Khi về hưu nếu không tính lãi suất, người nghỉ hưu hưởng 88 tháng lương hưu, nếu cộng lãi suất đầu tư là 120 tháng, tương đương khoảng 10 năm. Bình quân tuổi nghỉ hưu Việt Nam là 53 tuổi, tuổi thọ người Việt Nam gần 73 tuổi, như vậy trung bình người về hưu sẽ hưởng 19 năm lương hưu. Do đó, Quỹ chỉ trả đủ 10 năm, vậy còn 9 năm do bảo hiểm tự chi trả. Do đó âm Quỹ BHXH là khoảng thời gian 9 năm.
Trong Luật BHXH có ghi rõ Quỹ BHXH do Nhà nước bảo hộ, điều này đồng nghĩa nếu hụt thì ngân sách chi trả. Để giảm mất cân đối quỹ thì giải pháp tính đến là tăng tuổi nghỉ hưu, dự kiến đề xuất tăng thêm 2 năm thì cả thời gian kéo dài thêm được 4 năm sẽ góp phần giảm mất cân bằng Quỹ BHXH. "Tuy nhiên, đó chỉ là tính toán kỹ thuật và việc quyết định còn đưa ra lấy ý kiến của các nhóm đối tượng trước khi thông qua Luật Lao động sửa đổi. Để giảm mất cân đối Quỹ BHXH còn phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như giảm trốn đóng BHXH, quản lý Quỹ minh bạch qua công nghệ thông tin, tăng lợi ích đầu tư từ nguồn Quỹ BHXH", ông Doãn Mậu Diệp cho biết.
Còn ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng: "Để giảm mất cân đối Quỹ BHXH thì có 3 giải pháp: tăng mức đóng, giảm mức hưởng và tăng tuổi hưu. Giải pháp tăng mức đóng không khả thi vì mức đóng BHXH Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới, giảm mức hưởng lương hưu cũng không thể vì tiền lương hưu thực lĩnh của lao động ở mức thấp. Do đó, tăng tuổi nghỉ hưu là giải pháp được tính toán giảm mất cân bằng Quỹ BHXH".
Theo ông Bùi Sĩ Lợi, để giảm mất cân bằng Quỹ BHXH thì trước mắt tăng nhóm đối tượng tham gia BHXH. Trước hết là nhóm đối tượng có hợp đồng lao động từ 1 - 3 tháng và nhóm BHXH tự nguyện có sự hỗ trợ mức đóng của Nhà nước. Cả hai nhóm này, các chính sách hỗ trợ đều triển khai từ 1/1/2018.
"Giải pháp lâu dài thì cũng đã đến lúc phải tính toán tăng tuổi nghỉ hưu. Các dự báo của cả trong nước và nước ngoài đều mang tính chất chuẩn bị tâm thế trước để các bên bày tỏ chính kiến, quan điểm về vấn đề này", ông Bùi Sĩ Lợi cho biết.
Bình luận (0)