Dù có nhiều nguyên nhân để tăng tuổi hưu, nhưng theo ông Huân, việc tận dụng lao động có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn phải có tiêu chí rất rõ ràng.
Yêu cầu bức thiết cân đối Quỹ BHXH
Rất nhiều lý do được Bộ LĐ-TB-XH và BHXH Việt Nam đưa ra cho đề xuất tăng tuổi hưu và nâng tuổi nghỉ hưu của nữ và nam bằng nhau như: Tuổi thọ người Việt Nam tăng; dân số đang chuyển dần từ giai đoạn dân số vàng sang dân số già; nhiều người đến tuổi hưu nhưng còn sức khoẻ và muốn tiếp tục cống hiến,… Hàng loạt lý do được đưa ra, nhưng mục tiêu hàng đầu của việc tăng tuổi nghỉ hưu vẫn là đảm bảo cân đối Quỹ BHXH, khi nguy cơ mất cân đối đã hiện hữu.
Bộ LĐ-TB-XH và BHXH chỉ ra một nghịch lý đang tồn tại: Số người về hưu đúng tuổi (nam đủ 60, nữ đủ 55) có thời gian đóng BHXH tương đương nam 28 năm, nữ 23 năm. Số tiền đóng của hai nhóm này chỉ đủ để họ hưởng lương hưu trong 13 năm, nhưng do tuổi thọ của người Việt Nam đang tăng lên, nên thời gian hưởng lương hưu bình quân đang là 20 năm, thực tế có người hưởng lương hưu tới vài chục năm. Mức chênh lệch này gây áp lực rất lớn lên Quỹ BHXH. Các giải pháp như tăng mức đóng, giảm mức hưởng, kéo dài thời gian đóng, rút ngắn thời gian hưởng… từng được ngành BHXH đưa ra nhưng không được sự đồng thuận.
Theo tính toán của BHXH Việt Nam, nếu nâng tuổi nghỉ hưu cả nam và nữ lên 65 thì tỉ lệ người nghỉ hưu so với người trong độ tuổi lao động sẽ tăng chậm hơn hiện nay. Cụ thể, năm 2009 người nghỉ hưu bằng 10,9% người trong độ tuổi lao động, năm 2049 là 30,7% và năm 2099 là 47,5%. Nhờ vậy, quỹ hưu trí sẽ bớt bị áp lực về tài chính hơn so với giữ tuổi nghỉ hưu như hiện nay.
“Phải chọn phương án đỡ sốc nhất”
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Minh Huân cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ là một trong các giải pháp để cân đối thu -chi Quỹ BHXH nhưng phải chọn phương án đỡ sốc nhất. “Nếu một lao động nam nghỉ hưu năm 60 tuổi và thọ 75 tuổi, thời gian hưởng lương hưu là 15 năm, chưa cần tăng tuổi nghỉ hưu lên 65, chỉ cần lên 62 đã giảm còn 13 năm hưởng lương, nhân với số người hưởng lương hiện nay thì con số cắt giảm được là rất lớn” - ông Huân chia sẻ.
Cũng theo ông Huân, dù Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến nghị Việt Nam mức tăng mỗi năm 6 tháng, nhưng ông giữ quan điểm tăng 3 tháng/năm là vừa phải. Ngoài ra, ông Huân cho rằng, phải lựa chọn đối tượng chứ không phải tất cả đều tăng ngay. “Lao động độc hại không tăng, ít nhất là giữ nguyên. Nên chọn khu vực lao động bình thường, các đối tượng khác tính toán và đi dần dần” - ông Huân nhấn mạnh.
Phóng viên nêu vấn đề nếu giữ lại nhóm lao động “có chất lượng” thêm 5 năm, trong khi hiện thị trường lao động còn khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp, mỗi năm lại được “bồi” thêm con số đáng kể, thì áp lực thất nghiệp trong nhóm lao động trẻ sẽ là bài toán khó giải. Ông Huân đồng tình và cho rằng, khi tổng số việc làm không tăng, nhóm ở lại sẽ rất ảnh hưởng đến nhóm mới gia nhập. Giải pháp là nên mở rộng sản xuất, tăng việc làm.
Về việc những ai/đối tượng nào kéo dài tuổi hưu khi hiện vẫn chưa có khung quy định cụ thể với các điều khoản rõ ràng, ông Huân thừa nhận là buộc phải có phương án cụ thể. “Người nào được việc mới ở lại. Sau này càng phải quy định rõ ràng và nằm trong nghị định, hướng dẫn của Chính phủ” - ông Huân nêu quan điểm.
Về áp lực với thị trường việc làm, đại diện Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, đây cũng chính là thời điểm quan trọng để Bộ Giáo dục và Đào tạo chấn chỉnh đầu vào, “siết” điều kiện tuyển sinh, giảm thiểu tình trạng thí sinh thi nhau “làm thầy” và thờ ơ với “làm thợ”.
Bình luận (0)