Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần được đánh giá, cân nhắc một cách toàn diện, đa chiều, có lộ trình. Đổi mới chính sách BHXH phải phù hợp với quy luật phát triển và hài hòa lợi ích của nhiều phía.
Trước tiên, xin ông giải thích lý do tăng tuổi nghỉ hưu?
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
- Ông Bùi Sỹ Lợi: Như chúng ta đã biết, hiện nay, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam là 73,4 tuổi (nam 70,8 tuổi, nữ 76,1 tuổi), nhưng tuổi nghỉ hưu bình quân mới đạt 54,2 tuổi (nam 55,6 tuổi, nữ là 52,6 tuổi). Thời gian đóng BHXH bình quân đối với nam là 28 năm và nữ là 23 năm, trong khi kỳ vọng sống sau tuổi nghỉ hưu đối với nam là 18,1 năm, đối với nữ là 24,5 năm. Hơn nữa, tỉ lệ người đóng BHXH trên số người hưởng ngày càng có xu hướng giảm nhanh. Năm 1996, trung bình có 217 người đóng cho 1 người hưởng, đến nay, con số này chỉ còn khoảng 8 người đóng cho 1 người hưởng. Bởi thế, nguy cơ mất cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn đang hiện hữu.
Lý do khác là, nước ta đã cơ bản trải qua thời kỳ dân số vàng. Từ năm 2011 bắt đầu bước sang giai đoạn già hóa dân số, tức là một khoảng thời gian nữa, nước ta sẽ bị thiếu nguồn nhân lực. Tăng tuổi nghỉ hưu là giải pháp chủ động thích ứng với thời kỳ già hóa dân số, tránh tình trạng khủng hoảng nguồn nhân lực như một số nước từng trải qua. Đây là vấn đề có tính quy luật, nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi hoặc 67 tuổi và tất nhiên nước ta không thể nằm ngoài quy luật đó.
Lý do thỏa đáng vậy nhưng tại sao việc tăng tuổi nghỉ hưu đã được đề cập, bàn bạc suốt nhiều năm qua, đến nay vẫn chưa thể thực hiện được, thưa ông?
- Đúng là vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu luôn được dư luận quan tâm và đã từng được đặt ra nhiều lần. Khi nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012, các cơ quan chức năng từng đưa ra hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án thứ nhất là cả nam và nữ đều về hưu ở tuổi 60, nhưng nữ được quyền nghỉ hưu trước từ 1 đến 5 năm. Phương án này thể hiện sự ưu tiên phụ nữ, hướng tới mục tiêu bình đẳng giới. Phương án hai là cứ mỗi năm sẽ tăng thêm 3 tháng cho đến khi đạt tuổi nghỉ hưu ở tuổi 60 đối với nữ, 62 đối với nam. Cả hai phương án này không được Quốc hội thông qua. Nguyên nhân là do điều kiện lao động chưa phù hợp, dư luận chưa đồng thuận. Mặt khác, tỷ lệ lao động phổ thông, tay nghề thấp còn cao, lao động làm việc trong khu vực nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, điều kiện lao động chưa bảo đảm còn nhiều, nên chưa thể kéo dài thời gian làm việc. Hiện tại, tuổi thọ đã được nâng lên, cho nên việc nghiên cứu, xem xét tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết và có cơ sở. Tuy nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu phải có lộ trình phù hợp, phải được phân tích, tính toán, cân nhắc với từng nhóm lao động cụ thể, không thể nâng đồng loạt.
Ông đánh giá như thế nào về hai phương án nghỉ hưu mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đưa ra lấy ý kiến?
Bộ LĐ-TB-XH đưa ra hai phương án về độ tuổi nghỉ hưu để lấy ý kiến rộng rãi. Phương án 1, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ ngày 1-1-2021 và theo lộ trình đối với lao động bình thường, làm việc trong điều kiện lao động bình thường tăng thêm mỗi năm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2, cơ bản như phương án 1, nhưng mỗi năm tăng thêm 4 tháng thay vì 3 tháng như phương án 1. Như vậy, lao động làm việc trong các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, điều kiện khó khăn vẫn được giảm trừ để nghỉ hưu sớm.
Theo tôi, mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ là thích hợp và bảo đảm bình đẳng giới. Điều tôi băn khoăn, với công thức tăng tịnh tiến mỗi năm vài tháng, liệu trong thời gian tăng thêm ngắn ngủi như vậy, người lao động có chú tâm vào công việc không, hay họ có tâm lý "rã đám", dẫn đến hiệu quả công việc thấp. Cá nhân tôi cho rằng, đã đến lúc cần thiết xem xét tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng phải có tầm nhìn dài hạn, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và nhất thiết phải có lộ trình, căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng nhóm lao động, tránh xáo trộn thị trường lao động.
Theo ông, phương án tối ưu là gì?
- Trước mắt nên tiếp tục thực hiện tuổi nghỉ hưu như Bộ luật Lao động 2012, nhưng có lộ trình để nâng tuổi nghỉ hưu cho nhóm lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật; nhóm lao động quản lý theo quy định tại Khoản 3, Điều 187, Bộ luật Lao động. Bắt đầu từ 1-1-2025 có lộ trình nâng tiếp đối với lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường. Thời gian tăng thêm mỗi năm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Riêng lao động làm việc trong các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, điều kiện khó khăn vẫn được giảm trừ để có thể nghỉ hưu sớm. Đây là vấn đề lớn, cần cả quyết tâm chính trị và đồng thuận xã hội, không thể nóng vội.
Nhiều ý kiến lo ngại việc tăng tuổi nghỉ hưu khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần sẽ làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ, ông nghĩ sao?
- Những ý kiến lo ngại không phải không có cơ sở, bởi ở nước ta hiện nay, lao động trong độ tuổi thất nghiệp còn gần 1,1 triệu người, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao hơn các nhóm khác. Khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, nhóm lao động phổ thông, tay nghề thấp có nguy cơ mất việc làm do bị máy móc, công nghệ thay thế.
Tuy nhiên, nếu chúng ta không có phương án tận dụng nguồn nhân lực ngay từ bây giờ, tương lai sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng. Để không bị mất việc làm, người lao động cần tích cực học hỏi, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, từng bước làm chủ máy móc, khoa học, công nghệ.
Không chỉ lo lắng về việc gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, chúng tôi còn nhận được một số ý kiến phản ánh, tăng tuổi nghỉ hưu chỉ phù hợp và có lợi đối với những người làm việc trong khu vực hành chính, trong khi lực lượng lao động này chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số lao động xã hội. Về vấn đề này, một lần nữa tôi xin khẳng định, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một trong những giải pháp bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng trong BHXH, tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần bảo tồn Quỹ hưu trí và tử tuất, bảo đảm nâng cao thu nhập về lương hưu cho người nghỉ hưu, không vì lợi ích riêng của nhóm đối tượng nào.
Ông có thể phân tích rõ hơn?
- Ở vị trí của người lao động (NLĐ), ai cũng mong muốn làm ít, hưởng nhiều, tham gia BHXH trong thời gian ngắn, khi về hưu vẫn hưởng lương cao. Tuy nhiên, Quỹ BHXH không đủ khả năng để hỗ trợ nhiều năm cho NLĐ, mà phải tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng. Người nào đóng BHXH cao và kéo dài trong nhiều năm, thì khi về hưu sẽ nhận lương cao và ngược lại. Điều đó lý giải vì sao lương hưu có sự chênh lệch rất lớn, có người nhận lương vài chục triệu đồng mỗi tháng, có người không đạt mức lương tối thiểu, Nhà nước phải bù. Cần phải khẳng định, với quan điểm bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có chính sách BHXH.
Hiện nay, phạm vi bao phủ BHXH đã được mở rộng đến nhiều nhóm đối tượng, bao gồm cả lao động hợp đồng từ một tháng đến dưới 3 tháng, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam làm việc tại nước ngoài,… Tuy vậy, số người tham gia BHXH mới đạt gần 14 triệu người, bằng gần 30% tổng số lao động xã hội. Tỷ lệ tham gia BHXH thấp, khiến lưới an sinh xã hội chưa thể bảo vệ số đông NLĐ, nhất là khi họ không còn khả năng lao động. Vì thế, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, đổi mới chính sách BHXH không nằm ngoài mục tiêu mở rộng lưới an sinh xã hội.
Để người dân không bị lọt lưới an sinh xã hội, các bên liên quan cần làm gì, thưa ông?
- Theo tôi, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích mọi người đến tuổi lao động đều được tham gia vào hệ thống BHXH bằng nguồn lực phúc lợi chung, như là sự chia sẻ thành quả phát triển. Có thể coi cách làm này là cú hích để tạo sự đột phá về diện bao phủ BHXH, tiến tới mục tiêu bao phủ mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, tương tự cách thức Trung Quốc đang triển khai. Đối tượng hỗ trợ bao gồm tất cả lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức như là trách nhiệm xã hội mà các doanh nghiệp đang đóng thay cho NLĐ 14%, để mọi người đều có lương hưu, thấp nhất cũng ở mức sàn tối thiểu.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền cần được đổi mới mạnh mẽ, giúp người dân hiểu thấu đáo bản chất, ý nghĩa của BHXH, coi việc tham gia BHXH là quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người. Để đạt mục tiêu này, riêng ngành BHXH không làm được, mà phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; các ngành, đoàn thể ở thôn, xóm, khu dân cư, tổ dân phố.
NLĐ cũng nên chủ động chuyển dịch từ lao động ở khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức hoặc tự nguyện tham gia BHXH. Mọi người cùng tham gia, cùng hướng tới lợi ích chung, tôi chắc chắn việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu, thay đổi chính sách BHXH không chỉ góp phần giải quyết những vấn đề bất cập, hạn chế tồn tại trong lĩnh vực này, mà còn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Bình luận (0)