Thưa ông, nhiều nước trên thế giới đã nâng tuổi nghỉ hưu. Tuổi thọ của người Việt Nam ngày một tăng, chúng ta cũng nên theo xu hướng chung này?
- Có rất nhiều điều Việt Nam phải học thế giới, đặc biệt là cách để phát triển, sử dụng nguồn nhân lực, đầu tư khoa học công nghệ. Chúng ta nên học những quốc gia có đặc điểm gần giống Việt Nam nhưng có thế và lực phát triển hơn hẳn, giờ đã trở thành nước công nghiệp. Tuy nhiên, học tập không có nghĩa bê nguyên những quy định từ nước ngoài áp dụng vào Việt Nam. Đặc biệt, cần phải cân nhắc rất kỹ tuổi làm việc của người lao động (NLĐ) vì nó liên quan đến khả năng lao động của người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Thứ nữa, liên quan đến sức khỏe, sự phát triển toàn diện, trong đó có liên quan đến trí tuệ con người.
Công nhân sản xuất linh kiện tại Công ty Xích líp Đông Anh. Ảnh: Thanh Hải.
Tôi không đồng ý với đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH về kéo dài tuổi nghỉ hưu nam lên 62 và 60 với nữ, ít nhất là thời điểm hiện nay và trong vài năm tới. Bởi chúng ta không có tiềm lực như một số nước đã tăng tuổi nghỉ hưu. Khi muốn tăng tuổi làm việc, con người đã phải có khả năng dự trữ sẵn, thể lực tốt, tuổi thọ cao.
Ông có thể lý giải rõ hơn về quan điểm này?
- Mới đây, Viện Công nhân – Công đoàn có khảo sát đội ngũ công nhân lao động (ngành dệt may, chế biến thủy hải sản, đường, điện tử - điện lạnh) bằng 5.000 phiếu hỏi. Kết quả cho thấy, gần 100% công nhân lao động không muốn kéo dài thêm thời gian làm việc. NLĐ rất muốn làm việc đến tuổi 55 với nữ và 60 tuổi nam như hiện nay sẽ được nghỉ hưu. Chỉ có 11 – 15% NLĐ trong số đó cho biết khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ sẵn sàng ở lại làm thêm 1 hoặc 2 năm với điều kiện chủ sử dụng trả tiền công cao.
Với hai phương án tuổi nghỉ hưu được Bộ LĐ-TB-XH đề xuất, một là giữ nguyên như quy định hiện nay, hai là tăng thêm 2 tuổi đối với nam và 5 tuổi với nữ, ông thấy phương án nào phù hợp?
- Từ năm 1946, khi thành lập Chính phủ đầu tiên, Nhà nước đã quy định tuổi làm việc 60 với lao động nam và 55 với nữ, dựa trên những căn cứ khoa học, thực tiễn, đặc thù tâm sinh lý và thể lực của người Việt Nam. Việt Nam chưa phát triển đến mức đột biến để phải kéo dài tuổi làm việc. Bộ LĐ-TB-XH muốn tăng tuổi nghỉ hưu, có lẽ chỉ phù hợp với đối tượng công chức, viên chức. Thứ nữa là những người có lương cao, nhiều lợi ích kinh tế và công việc không quá nặng.
Việc Bộ LĐ-TB-XH đưa ra lý do nâng tuổi nghỉ hưu để cân bằng quỹ hưu trí và tử tuất cũng không thỏa đáng. Vì những quốc gia có tuổi làm việc gần giống với Việt Nam vẫn giữ được quỹ BHXH. Bộ LĐ-TB-XH lo "vỡ quỹ" BHXH, tại sao không công bố rõ ràng trên các phương tiện thông tin đại chúng cho NLĐ được biết, họ đóng ở mức này được sử dụng ra sao, quỹ đó hoạt động thế nào?
Ông có nghĩ đến phương án thứ 3 về tuổi nghỉ hưu?
- Nếu có phương án thứ 3 về tuổi nghỉ hưu, theo tôi chỉ nên áp dụng ở một số ngành, lĩnh vực lao động chất lượng cao. Các cơ quan, đơn vị từ hợp đồng với NLĐ khi có nhu cầu giữ họ ở lại làm việc tiếp. Hoặc, Bộ LĐ-TB-XH ra thông tư để hai bên thực hiện, chứ không cần thiết quy định tuổi nghỉ hưu vào Bộ luật Lao động. Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chúng ta không nên nghĩ kéo dài tuổi làm việc của con người sẽ đem lại lợi ích lớn. Bây giờ, thời đại 4.0 yêu cầu tối đa đối với NLĐ là trẻ, khỏe, linh hoạt, nghĩ ra được nhiều sáng kiến hay.
Bình luận (0)