Chiều 25-10, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hội thảo "Vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và phát triển đảng viên ở các doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực nhà nước - Thực trạng và giải pháp".
Yêu cầu cấp thiết
Theo ông Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và phát triển đảng viên là một trong những hoạt động quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Làm tốt công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và phát triển đảng viên sẽ góp phần làm cho Đảng vững mạnh cả về chất lượng và số lượng. Vì vậy Đảng luôn coi trọng việc lãnh đạo xây dựng giai cấp công nhân (CN) và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và phát triển đảng viên trong các DN ngoài khu vực nhà nước. "Sự phát triển nhanh chóng của lực lượng CN trong các DN ngoài khu vực nhà nước đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và phát triển đảng viên ở khu vực này nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong các thành phần kinh tế, đáp ứng yêu cầu giữ vững và tăng cường bản chất của giai cấp CN trong đội ngũ cán bộ, đảng viên" - ông Trần Văn Thuật nói.
PGS-TS Dương Văn Sao, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn, phát biểu tại hội thảo
Theo lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong các DN, đặc biệt là DN ngoài khu vực nhà nước, từ Đại hội X Công đoàn Việt Nam đã đưa vào chỉ tiêu Nghị quyết đại hội về giới thiệu CN ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp. Theo đó, nhiệm kỳ 2008 - 2013 "Giới thiệu mỗi năm ít nhất 90.000 CN ưu tú để cấp ủy Đảng bồi dưỡng, xem xét, kết nạp vào Đảng", Nghị quyết Đại hội XI và Đại hội XII tiếp tục đề ra chỉ tiêu "Bình quân hằng năm mỗi Công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 1 đoàn viên Công đoàn ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, xem xét, kết nạp vào Đảng". Ông Thuật khẳng định các chủ trương, nghị quyết của Đảng đã tạo cơ sở chính trị và định hướng vững chắc cho công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và phát triển đảng viên ở DN ngoài khu vực nhà nước trong những năm qua.
Kết quả tính đến ngày 31-12-2020, cả nước có 3.276 tổ chức cơ sở Đảng trong các DN ngoài khu vực nhà nước (chiếm 1,9%) tổng số tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 868 Đảng bộ cơ sở, 2.478 chi bộ cơ sở, với 99.046 đảng viên (chiếm 6,3% tổng số đảng viên).
Từ năm 2008 - 2017, bình quân mỗi năm các cấp Công đoàn giới thiệu trên 94.000 đoàn viên Công đoàn ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, xem xét, kết nạp. Từ năm 2018 đến hết năm 2020, các cấp Công đoàn đã giới thiệu gần 419.000 đoàn viên Công đoàn ưu tú, đã có gần 250.000 người được kết nạp. Tính riêng DN ngoài khu vực nhà nước đã có gần 24.000 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng trên tổng số gần 64.000 đoàn viên ưu tú giới thiệu.
Đổi mới quy trình phát triển đảng viên
Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng thừa nhận tỉ lệ đoàn viên Công đoàn được giới thiệu và bồi dưỡng kết nạp vào Đảng ở khu vực DN ngoài nhà nước so với tổng số còn thấp và có xu hướng giảm trong những năm gần đây; có rất ít các DN ngoài khu vực nhà nước thành lập được chi bộ Đảng, trong khi số lượng CN và các DN khu vực này ngày càng tăng nhanh.
Vì vậy, ông Trần Văn Thuật cho rằng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, thực thi cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và phát triển đảng viên trong các DN ngoài khu vực nhà nước, phải được coi là nhiệm vụ có tính chiến lược, quyết định đến nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, là việc làm thường xuyên, liên tục, gắn liền với nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; đồng thời là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong tham gia xây dựng Đảng của các cấp Công đoàn trong tình hình mới.
PGS-TS Dương Văn Sao, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn, lưu ý trong giai đoạn mới, Công đoàn các cấp, đặc biệt là Công đoàn khu vực ngoài nhà nước, cần đổi mới tư duy để nhận thức đúng đắn, đầy đủ vai trò, trách nhiệm to lớn của mình đối với việc tham gia xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, phát triển đảng viên. Bên cạnh đó, cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, kiên quyết đoạn tuyệt với phương pháp hoạt động xơ cứng, giáo điều, không phù hợp với điều kiện thực tế và không thiết thực, để tổ chức Công đoàn thật sự hấp dẫn đối với CN. Cùng với đó là quan tâm hơn nữa đến lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp, có năng lực tổ chức, vận động quần chúng, có kỹ năng tuyên truyền vận động, thương lượng, bản lĩnh đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích người lao động, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Công đoàn.
Nhấn mạnh đời sống CN còn nhiều khó khăn, ông Sao đề nghị bên cạnh việc quan tâm đến đời sống tinh thần thì rất cần nâng cao đời sống vật chất của người lao động để tạo niềm tin, động lực cho CN phấn đấu, rèn luyện trở thành đảng viên.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, bên cạnh nhiều rào cản như DN chưa có thiện chí tạo điều kiện cho tổ chức Đảng, đảng viên hoạt động, hành lang pháp lý phù hợp với tổ chức Đảng ở DN ngoài nhà nước còn chưa đầy đủ. Dù phát triển Đảng còn khó khăn nhưng ông Hiểu cho rằng "đừng vì điều gì đó rồi phát triển Đảng vì mọi cách, mà cần quan tâm đến chất lượng đảng viên thay vì số lượng ở những DN ngoài nhà nước" - ông Hiểu bày tỏ.
Bình luận (0)