“Lúc cần thì doanh nghiệp (DN) hứa hẹn đủ điều, đến khi không cần thì quay lưng với người lao động (NLĐ). Hành xử như vậy thì mong gì tạo dựng được quan hệ hợp tác lâu dài? Muốn ổn định, phát triển, DN cần tôn trọng, giữ lời hứa với NLĐ”. Nhiều cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở tại TP HCM đã đúc kết như vậy trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
Đã hứa, đừng nuốt lời
Khảo sát thực tế cho thấy không ít DN khi tuyển dụng thường đưa ra chế độ tiền lương, phụ cấp và đãi ngộ để lôi kéo NLĐ song đến khi ký hợp đồng lao động chính thức thì tìm đủ cách để o ép.
Đơn cử như trường hợp một DN kinh doanh vận tải tại quận Thủ Đức, TP HCM. Khi mới hoạt động, công ty tuyển dụng 30 tài xế với chế độ tiền lương, phúc lợi khá cao. Ngoài thu nhập 6 triệu đồng/tháng, tài xế còn được hỗ trợ phụ cấp đi lại, nhà trọ, chuyên cần (tổng cộng 1,5 triệu đồng). Thế nhưng, sau 1 tháng thử việc, khi cầm trên tay bản hợp đồng lao động chính thức, các tài xế tá hỏa khi hầu hết phụ cấp bị cắt, chỉ còn lại phần lương cứng. Đem bức xúc trình bày với người có trách nhiệm của công ty, họ nhận được phản hồi khá sốc: “Ký hợp đồng chính thức, công ty phải trích nộp BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp, do vậy phải cắt phụ cấp để giảm chi phí”.
Đối thoại để tạo sự đồng thuận tại Công ty TNHH Triple Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM). Ảnh: VĨNH TÙNG
Tương tự, việc tùy tiện thay đổi định mức sản phẩm và khoản thưởng vượt năng suất đã đẩy quan hệ lao động tại Công ty TNHH May mặc T.N (huyện Hóc Môn, TP HCM) vào chỗ bất ổn. Tập thể công nhân (CN) cho biết với quy định cũ, nếu vượt định mức trong 8 giờ thì mỗi chuyền sẽ nhận được một khoản tiền thưởng. Thế nhưng, mới đây, công ty lại nâng định mức lên gấp rưỡi khiến CN phải tăng ca mới đủ sản lượng. Điều này khiến họ mất trắng khoản tiền thưởng năng suất. Ấm ức vì bị o ép, tập thể CN khiếu nại đến các cơ quan chức năng, khi ấy công ty mới chịu sửa sai.
Dù khó vẫn quan tâm chăm lo
“Dù khó khăn đến mấy, công ty vẫn duy trì các khoản phụ cấp và nâng lương định kỳ 7% như nội dung thỏa ước lao động tập thể”. Đây là cam kết của ông Trần Thế Bình, Giám đốc Công ty Thăng Bình (huyện Bình Chánh, TP HCM), tại buổi đối thoại định kỳ với CN mới đây. Điều này khiến hơn 100 CN của công ty rất phấn khởi.
5 tháng đầu năm 2016, Công ty Thăng Bình gặp khó khăn về đơn hàng khiến CN rất lo lắng. Hiểu được điều đó, ông Bình đề nghị Công đoàn cơ sở tổ chức buổi đối thoại để ổn định tâm lý NLĐ. Được nghe lãnh đạo trình bày khó khăn, đặc biệt là lời cam kết duy trì các phúc lợi, CN đã trút bỏ được lo lắng. Lý giải việc làm này, ông Bình cho biết mong muốn của ban giám đốc là CN sẽ gắn bó ngay cả khi DN gặp khó khăn.
“Ngay cả các DN lớn, các tập đoàn đa quốc gia vẫn có lúc gặp khó khăn. Cho nên, điều quan trọng nhất là cách hành xử của DN sao cho NLĐ dù phải ra đi thì họ vẫn giữ trong lòng hình ảnh đẹp của nơi mình từng làm việc, gắn bó”- anh Võ Trọng Khôi, trưởng phòng kinh doanh tập đoàn H., cho biết khi nói về khó khăn mà tập đoàn đang đối mặt.
Hơn 300 lao động đã phải nghỉ việc và sắp tới vẫn còn nhiều người tiếp tục ra đi vì DN đang trong quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ. “Khi nghỉ việc, họ được tập đoàn hỗ trợ mỗi năm làm việc 2 tháng thu nhập. Có người gắn bó hơn 10 năm, được nhận trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, còn nhiều khoản hỗ trợ khác. Anh em ra đi mà lòng vẫn ấm áp” - anh Khôi nói.
Nhất định sẽ quay lại
Mới đây, chúng tôi gặp chị Lê Trần Thủy Tiên, nhân viên khai thác thị trường của Công ty Đ.T, khi chị đến đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM. Chị cho biết đã tự nguyện xin nghỉ việc vì không muốn công ty tiếp tục trả lương, đóng BHXH khi chị và hơn 50 nhân viên phải nghỉ chờ việc vì một số dự án của công ty bị dừng triển khai do thiếu vốn. “Hồi trước, khi kinh doanh thuận lợi, không chỉ chăm lo cho nhân viên, công ty còn quan tâm đến người nhà của họ như mua BHYT ở các bệnh viện tốt, tổ chức cho thân nhân đi du lịch, mua bảo hiểm tai nạn... Bây giờ công ty khó khăn, chúng tôi tạm thời rời xa nhưng bất cứ lúc nào công ty có nhu cầu, tôi sẽ quay lại” - chị Tiên khẳng định.
Bình luận (0)