Từ 1-7-2018 người tham gia BHYT được cấp lại, đổi thẻ BHYT ở bất kỳ cơ quan BHXH nào. Để bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này, Báo Người Lao Động đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu, Phó giám đốc BHXH TP.
Bà Nguyễn Nguyễn Thị Thu, Phó giám đốc BHXH TP HCM
Phóng viên: Xin bà cho biết ở TP HCM thẻ BHYT đang được phát hành như thế nào?
- Bà Nguyễn Thị Thu: Tính đến hết tháng 6-2018, TP HCM đã có 6.890.297 người có thẻ BHYT, đạt độ bao phủ 81,6% dân số. Việc phát hành thẻ BHYT tại TP vẫn được thực hiện qua nhiều kênh: Đối với BHYT hộ gia đình người tham gia có thể đến các đại lý thu BHYT thuộc hệ thống Bưu điện hoặc Uỷ ban nhân xã, phường trên địa bàn để đăng ký tham gia và thời hạn cấp thẻ là 5 ngày. Nếu người tham gia BHYT hộ gia đình có thời gian tham gia BHYT liên tục thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày đóng BHYT; nếu tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày người tham gia nộp tiền đóng BHYT. Đối với người lao động thì việc phát hành thẻ thông qua đơn vị sử dụng lao động. Đối với các đối tượng trẻ em, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, hộ nghèo, cận nghèo thì sẽ do các cơ quan quản lý đối tượng (Uỷ ban nhân dân xã, phường; phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận, huyện..) lập danh sách và chuyển cơ quan BHXH phát hành thẻ.
Người dân khám chữa bệnh BHYT tại TP HCM
● Hiện nay, thẻ BHYT đã có giá trị liên thông ở một số cơ sở khám chữa bệnh (KCB) nhưng nhiều người vẫn chưa biết. Xin bà nói rõ hơn về vấn đề này?
- Theo quy định của Luật BHYT, từ ngày 1-1-2016, người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh. Như vậy người tham gia BHYT có nhiều điều kiện lựa chọn nơi KCB chứ không phải như trước kia phải đến đúng nơi đã đăng ký ban đầu.
● Sau một thời gian sử dụng thẻ, người dân muốn đổi nơi đăng ký KCB ban đầu trước đây phải quay về nơi đăng ký ban đầu, nay có thay đổi gì không, thưa bà?
- Theo quy định, người tham gia BHYT được thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu vào tháng đầu mỗi quý. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT trên địa bàn TP được cấp lại, đổi thẻ BHYT mà không phụ thuộc vào nơi cấp thẻ BHYT ban đầu, BHXH Thành phố đã ban hành Công văn số 1231/BHXH-CST ngày 19-6-2018 về việc hướng dẫn cấp lại, đổi thẻ BHYT cho đối tượng chỉ tham gia BHYT mà không phụ thuộc vào nơi cấp thẻ BHYT ban đầu. Theo đó, kể từ ngày 1-7-2018 người tham gia BHYT thuộc các đối tượng: người có công, hưu trí, cận nghèo, học sinh – sinh viên, trẻ em, hộ gia đình… có thể lập hồ sơ cấp lại thẻ BHYT do điều chỉnh thông tin trên thẻ; đổi mã quyền lợi hưởng BHYT; thay đổi nơi khám chữa bệnh BHYT ban đầu; thời điểm đủ 5 năm liên tục; mất, hỏng… nộp tại bất kỳ cơ quan BHXH quận/huyện nào hoặc Văn phòng BHXH TP, nơi nào thuận tiện để cấp lại thẻ.
Bình luận (0)