Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát khiến hàng trăm ngàn lao động đang làm việc tại các tỉnh, thành, đặc biệt là ở TP HCM và các tỉnh phía Nam, ồ ạt trở về quê. Do đã có các phương án từ trước nên tỉnh Thanh Hóa không bị động mà từng bước đưa ra các giải pháp hiệu quả giúp người lao động (NLĐ) hồi hương sớm có việc làm ổn định ngay tại địa phương.
Gắn bó lâu dài với quê hương
Học xong lớp 12, anh Nguyễn Văn Đạo (ngụ xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) cùng bố và anh trai vào Nam tìm việc làm. 12 năm tha hương, làm đủ thứ nghề, anh Đạo cũng không thể tưởng tượng có ngày cả gia đình anh phải quay về quê nhà. Gần 3 tháng trời không việc làm, tiền hết, dịch bủa vây khiến cuộc sống gia đình anh thực sự khó khăn. "Thời điểm đó, gia đình rất lo lắng, chẳng biết bấu víu vào đâu vì lao động tự do như chúng tôi thì cứ ráo mồ hôi là hết tiền, trong khi dịch bệnh không biết khi nào mới hết. Do vậy, gia đình quyết định về quê một thời gian" - anh Đạo cho biết.
Sau khi về địa phương, anh Đạo được chính quyền, ban ngành hỗ trợ để hoàn thành cách ly theo quy định. Không những thế, vợ chồng anh cũng có cơ hội tìm kiếm công việc mới ở quê nhà. "Tôi quyết định sẽ học lái ôtô, còn vợ đã nộp đơn vào một công ty may gần nhà. Thu nhập ở quê tuy không cao bằng trong Nam, tuy nhiên được ở gần nhà, công việc cũng ổn định lâu dài nên có thể chúng tôi sẽ không quay lại Bình Dương nữa" - anh Đạo nói.
Hàng ngàn lao động trở về địa phương đã tìm được việc làm trong các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Dịch Covid-19 bùng phát khiến anh Hà Ngọc Tú (ngụ xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn) làm nghề hàn xì tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phải trở về quê. Sau 3 tháng hồi hương, đến nay anh Tú đã gầy dựng được một xưởng cơ khí nhỏ. "Lúc trở về địa phương, tôi chưa biết sẽ phải làm gì, nếu tiếp tục nghề hàn thì không có kinh phí. Đúng lúc này, tôi được địa phương quan tâm và được tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tôi đã làm hồ sơ và được ngân hàng cho vay 80 triệu đồng để tiếp tục theo nghề hàn xì. Đây là động lực rất lớn để chúng tôi có thể yên tâm gắn bó với quê hương, ổn định cuộc sống" - anh Tú nói.
Theo ghi nhận, sau khi trở về địa phương, đã có hàng ngàn lao động được tư vấn việc làm, bước đầu nhiều lao động đã có việc làm, hàng chục người tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng để phát triển kinh tế tại địa phương, không chỉ lo cho bản thân, gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Anh Văn Đình Hoàng (ngụ TP Sầm Sơn) là một ví dụ. Trước khi chưa về địa phương, anh làm việc ở TP HCM, tuy nhiên do dịch bệnh, anh phải về quê vì không còn việc làm. Gia đình vốn có nghề làm nước mắm truyền thống, tuy nhiên do thiếu vốn nên anh chưa biết xoay xở ra sao. Rất may, anh đã được tạo điều kiện vay vốn mở một xưởng nhỏ thu mua cá và trực tiếp sản xuất nước mắm. Hiện cơ sở đã đi vào hoạt động và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Đào tạo nghề, kết nối giới thiệu việc làm
Báo cáo tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh (ngày 8 đến 10-12), bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Thanh Hóa, cho biết từ ngày 27-4 đến nay, công dân, NLĐ trở về quê lên tới trên 205.000 người (trong đó số người trong độ tuổi lao động trở về từ vùng dịch là 160.800 người). Số lao động có nhu cầu giải quyết việc làm, đào tạo nghề là 42.566, trong đó có trên 1.000 người có nhu cầu đào tạo nghề như may công nghiệp, xây dựng, điện dân dụng, điện lạnh, cơ khí, hàn, điện tử, điện nước, lái ôtô, có trên 2.000 người có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm, với tổng số vốn đề nghị vay là trên 169 tỉ đồng.
Với quyết tâm không để NLĐ nào bị bỏ lại phía sau, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều phương án nhằm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NLĐ với mục tiêu 100% người trở về từ vùng dịch trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm sẽ được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Căn cứ phương án số 198/PA-UBND ngày 2-9 của UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở LĐ-TB-XH tỉnh đã triển khai các hoạt động hỗ trợ NLĐ hồi hương tìm kiếm việc làm, trong đó đã tổ chức 8 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 500 lao động trở về từ vùng dịch tại một số huyện miền núi; tổ chức tư vấn việc làm trực tuyến cho trên 6.000 lượt lao động; phối hợp với các tỉnh, thành khu vực phía Bắc tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối trên 1.500 lao động với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng…
"Đến nay đã có 34.230 lao động trở về từ vùng dịch được tạo việc làm trên địa bàn, chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh, dệt may, giày da, nhựa, bao bì; 1.080 lao động được đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp như may công nghiệp, xây dựng dân dụng, cơ khí, hàn, điện nước. Tỉnh cũng đã hỗ trợ 346 dự án vay vốn giải quyết việc làm, với số tiền đã giải ngân trên 24 tỉ đồng, góp phần tạo việc làm cho 610 lao động" - bà Vũ Thị Hương cho biết.
Ưu tiên tiêm vắc-xin cho NLĐ
Để hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tìm kiếm việc làm, quay trở lại thị trường lao động, Sở LĐ-TB-XH tỉnh và các sở, ngành, địa phương cần thực hiện các giải pháp như: đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng và tăng độ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên tiêm vắc-xin cho NLĐ làm việc tại khu kinh tế, KCN; tập trung đào tạo, trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ. "NLĐ cũng cần phải trang bị cho mình các kỹ năng làm việc, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, tuân thủ kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động" - bà Vũ Thị Hương lưu ý.
Bình luận (0)