Sáng 28-6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đây là buổi làm việc định kỳ thường niên nhằm đánh giá kết quả thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Quan tâm đặc biệt đến công nhân
Tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã báo cáo kết quả thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa hai bên, đồng thời nêu nhiều kiến nghị của tổ chức Công đoàn (CĐ) với Thủ tướng. Cụ thể, có 17 kiến nghị của tổ chức CĐ liên quan đến các vấn đề như lương tối thiểu, thời giờ làm thêm, tuổi nghỉ hưu; rà soát điều chỉnh, bổ sung danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; ban hành hướng dẫn thực hiện khoản 7, điều 10 Luật BHXH về biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động (NLĐ); ưu đãi lãi suất vay mua nhà ở xã hội cho công nhân (CN)… Ngay tại buổi làm việc, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp thu, phối hợp với tổ chức CĐ để xử lý, giải quyết các kiến nghị này.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, phát biểu về sự cần thiết của Luật Tiền lương tối thiểu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ và Thủ tướng luôn đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm điều kiện làm việc và đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ như vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho CN, xây dựng thiết chế tại các KCX-KCN. Liên tục trong 2 năm 2016-2017, Thủ tướng đã gặp gỡ, đối thoại với CN lao động. Thủ tướng mong muốn tổ chức CĐ kiểm tra việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo, lời hứa cũng như cam kết của Thủ tướng với CN tại 2 cuộc đối thoại nêu trên ở Đồng Nai, Đà Nẵng.
Về đề nghị có chính sách ưu đãi lãi suất vay mua nhà ở xã hội cho NLĐ, Thủ tướng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đầy đủ các quy định về cho vay nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho CN. Theo Thủ tướng, Ngân hàng Chính sách xã hội dự kiến lãi suất năm 2017 bằng lãi suất năm 2016 là 4,8%/năm. Tuy nhiên, hiện chưa triển khai cho vay được vì khó khăn về vốn. "Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bố trí 1.062 tỉ đồng bổ sung cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách trên và Văn phòng Chính phủ đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng theo quy định" - Thủ tướng thông tin.
Cần sớm có Luật Tiền lương tối thiểu
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết CNVC-LĐ cả nước rất phấn khởi khi nhận được sự quan tâm rất lớn của Thủ tướng. Từ đó, đã tăng cường tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước. Tuy nhiên, bà Tuyến cũng bày tỏ băn khoăn về tiền lương tối thiểu cho NLĐ. Dẫn quan điểm tranh luận, thương lượng giữa đại diện tổ chức CĐ (đại diện cho NLĐ) và đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại diện cho giới chủ) tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra hôm 27-6, bà Tuyến cho biết việc tìm được tiếng nói chung giữa hai bên rất khó khăn. "Do đó, mong Quốc hội sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu để giải quyết một cách căn cơ vấn đề tiền lương, bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ theo quy định của pháp luật lao động" - chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội bày tỏ.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho rằng hiện nay, hằng năm đều có các phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia để thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng. Theo bà Yến, cả NLĐ lẫn các doanh nghiệp đều luôn dõi theo các phiên họp này từng giờ, từng phút và không thể yên tâm. Đối với doanh nghiệp, họ phải nghe ngóng, tính toán xem liệu lương tăng bao nhiêu; kế hoạch sản xuất, kinh doanh phải điều chỉnh như thế nào. Còn đối với NLĐ thì cũng lo lắng không biết lương sẽ tăng như thế nào, giá cả sẽ leo thang ra sao? "Do đó, nên tăng lương tối thiểu 3 năm/lần hoặc tốt nhất, ổn định nhất là xây dựng và ban hành Luật Tiền lương tối thiểu" - bà Yến đề xuất.
Về việc xác định lộ trình thực hiện tiền lương tối thiểu vùng theo điều 91 Bộ Luật Lao động, Thủ tướng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất, tham gia ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, với Hội đồng Tiền lương quốc gia, trình Thủ tướng xem xét. Thủ tướng cho rằng nếu tăng lương tối thiểu cao quá thì khó thu hút đầu tư, đồng nghĩa không giải quyết nhiều việc làm cho NLĐ nhưng để thấp quá thì đời sống NLĐ gặp khó khăn. "Tinh thần là phải giải quyết một cách hài hòa; các bên thảo luận một cách thấu tình đạt lý, chặt chẽ; phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn" - Thủ tướng yêu cầu.
Kết thúc buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thông điệp: Các cấp chính quyền địa phương và các cấp CĐ cần phối hợp tạo mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, làm sao giải quyết việc làm cho NLĐ tốt nhất. Đồng thời, các cấp, các ngành và các doanh nghiệp phải quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ, để NLĐ có điều kiện tái sản xuất sức lao động, xây dựng quan hệ tốt đẹp, hài hòa giữa NLĐ và doanh nghiệp.
Phải quan tâm đến bữa ăn giữa ca
Về kiến nghị ban hành quy định về bảo đảm an toàn - vệ sinh thực phẩm trong bếp ăn tập thể của CN, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định đã có tại Thông tư 30/2012/TT-BYT. Thủ tướng đề nghị các cấp CĐ phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện chủ trương này và nhấn mạnh tiền lương của CN hiện còn thấp nên phải dựa vào bếp ăn tập thể thông qua bữa ăn ca, ăn trưa… để tái tạo sức lao động. "Đây là việc quan trọng mà tất cả chúng ta đều phải quan tâm bởi CN đã kiến nghị vấn đề này rất nhiều" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)