Chiều 2-3, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 19 (khóa XII) với nội dung chính là nghe báo cáo về tình hình quan hệ lao động và kết quả tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) dịp Tết Tân Sửu 2021. Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - chủ trì.
Đa dạng hình thức chăm lo
Báo cáo tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 và thiên tai, hầu hết doanh nghiệp (DN), đoàn viên và NLĐ bị ảnh hưởng tiêu cực. Số đoàn viên và NLĐ bị mất, gián đoạn hoặc thay đổi việc làm; mất hoặc giảm thu nhập chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số lao động toàn xã hội.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM (bìa trái), tặng quà cho gia đình công nhân trong chương trình “Chuyến tàu mùa Xuân” giáp Tết Tân Sửu.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết năm 2021, Chỉ thị số 44/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; các cấp Công đoàn (CĐ) đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo phúc lợi, lợi ích giúp đoàn viên, NLĐ đón Tết Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Đoàn Chủ tịch, các cấp CĐ đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các DN, tổ chức, cá nhân triển khai Kế hoạch số 75/KH-TLĐ theo đúng mục tiêu, yêu cầu, chủ đề và phương châm "Tất cả đoàn viên và NLĐ đều có Tết". Các cấp CĐ đã tập trung tổ chức chăm lo cho đoàn viên và NLĐ ngay tại cơ sở, trong đó ưu tiên đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, thiên tai, thuộc gia đình chính sách, nhiều năm chưa có điều kiện về quê sum họp với gia đình. Ngoài công nhân làm việc ở các DN, số viên chức, NLĐ ngành giáo dục - đào tạo, y tế, các công chức, viên chức công tác ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo đã được các cấp CĐ quan tâm chăm lo, động viên, thăm hỏi. Trong bối cảnh NLĐ và tổ chức CĐ gặp nhiều khó khăn, song với tinh thần trách nhiệm cao đối với đoàn viên, NLĐ, các cấp CĐ đã đề xuất, thực hiện, đồng thời sáng tạo nhiều hình thức chăm lo với mục đích quan tâm được nhiều nhất tới đoàn viên, NLĐ.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết hoàn toàn đồng thuận với phương pháp tổ chức, chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc chăm lo Tết cho NLĐ năm nay trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. "Chúng ta đã dành toàn bộ nguồn lực cho CĐ cơ sở để chăm lo cho đoàn viên và NLĐ" - bà Trần Thị Diệu Thúy nói.
Gần 5 triệu trường hợp được chăm lo
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, bên cạnh các hình thức chăm lo truyền thống tiếp tục được duy trì, các cấp CĐ đã triển khai nhiều hình thức, nội dung chăm lo mới, được đoàn viên, NLĐ đánh giá cao. Theo báo cáo của các cấp CĐ, các hình thức chăm lo phổ biến bao gồm: thăm hỏi, tặng quà, tặng vé tàu - xe, vé máy bay về quê ăn Tết, trao Mái ấm CĐ, gặp mặt trực tiếp, gửi thư chúc Tết, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ - thể thao, các chương trình bốc thăm trúng thưởng, mở các gian hàng giảm giá, gian hàng 0 đồng...
Đối với đoàn viên, NLĐ không thể về quê đón Tết, các cấp CĐ đã kịp thời có kế hoạch, báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương và DN có các giải pháp chăm lo phù hợp. Hầu hết CĐ địa phương, DN đã tổ chức thăm hỏi, tham mưu lãnh đạo địa phương tới khu nhà trọ chúc Tết đoàn viên, NLĐ; tặng bánh chưng, giỏ quà Tết, vé du xuân; tổ chức đi chợ hoa - sắm Tết; tặng cành đào; tổ chức các trò chơi dân gian, văn hóa, văn nghệ giúp NLĐ đón Tết xa quê nhưng vẫn đầm ấm, vui tươi, mang dấu ấn CĐ. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức chương trình truyền thông trực tuyến "Tết không xa nhà", "Tết bình an, khoan hãy về" cho đoàn viên và NLĐ ở lại không về quê đón Tết. Chương trình đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng cũng đã chúc Tết đoàn viên và NLĐ trong chương trình truyền thông này.
Theo tổng hợp báo cáo của LĐLĐ các tỉnh, thành, CĐ ngành trung ương và tương đương, tổng số đoàn viên, NLĐ thụ hưởng từ các hoạt động chăm lo Tết năm 2021 là gần 5 triệu người (tăng gần 1 triệu người so với năm 2020); tổng nguồn kinh phí hỗ trợ, tổ chức các hoạt động chăm lo là trên 6.636 tỉ đồng (tăng gần 28% so với năm 2020). Trong đó, LĐLĐ các tỉnh, thành, CĐ ngành trung ương và tương đương xã hội hóa, kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, DN và chính quyền địa phương gần 1.860 tỉ đồng. Số đoàn viên, NLĐ được hỗ trợ bằng tiền mặt là gần 4,1 triệu người với tổng số tiền là gần 4.123 tỉ đồng; số đoàn viên, NLĐ được hỗ trợ vé tàu, xe về quê đón Tết là 167.540 người, tính thành tiền trị giá là gần 87 tỉ đồng; bố trí xe đưa đoàn viên, NLĐ về quê đón Tết cho 128.342 người với tổng số tiền gần 33,7 tỉ đồng; số đoàn viên, NLĐ được hỗ trợ cả quà và tiền mặt là 2.912.616 người, với tổng giá trị tiền là gần 1.245 tỉ đồng; 782 Mái ấm CĐ đã được tổ chức trao tặng cho đoàn viên, NLĐ vào dịp Tết, với số tiền gần 45 tỉ đồng.
Bên cạnh nguồn lực và các chế độ, chính sách chăm lo cho đoàn viên, NLĐ như mọi năm, năm nay Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1921/TLĐ về hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ ảnh hưởng dịch Covid-19 và thiên tai năm 2020, dịp Tết Tân Sửu 2021. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống, đến nay các cấp CĐ đã chi hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ với tổng số tiền là gần 140 tỉ đồng với trên 290.000 người thụ hưởng, trong đó: trên 13 tỉ đồng chi hỗ trợ cho trên 8.000 người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, thiên tai; gần 89 tỉ đồng hỗ trợ cho gần 200.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; gần 7 tỉ đồng hỗ trợ cho gần 7.000 người bị mắc bệnh hiểm nghèo và gần 36 tỉ đồng hỗ trợ cho gần 77.000 người có hoàn cảnh khó khăn khác. Theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, một số đơn vị làm tốt, có nhiều sáng tạo trong công tác chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ như: LĐLĐ TP HCM, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai, CĐ ngành ngân hàng, dầu khí, than - khoáng sản...
Nghiên cứu, mở rộng phạm vi hoạt động chăm lo
Theo ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng đến hoạt động của DN nên đã tác động đến thu nhập, việc làm, tiền lương, thưởng của NLĐ. Hoạt động chăm lo Tết ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hướng tới chuyên nghiệp, tập trung cho cơ sở, gắn với nhiệm vụ theo dõi, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định; không để phát sinh những vụ việc phức tạp xảy ra. Đối đượng chăm lo Tết Tân Sửu có xu hướng mở rộng, đến các ngành, nghề dễ bị tổn thương, khu vực lao động phi chính thức... Đây là tiền đề hết sức quan trọng để tổ chức CĐ nghiên cứu, mở rộng phạm vi hoạt động, chăm lo, bảo vệ, phát triển đoàn viên, đáp ứng yêu cầu hoạt động của CĐ Việt Nam trong tình hình mới.
Bình luận (0)