Mỗi độ Tết đến, Xuân về, các cấp Công đoàn (CĐ) trong cả nước đã tích cực chăm lo để CNVC-LĐ nghèo xa nhà có được một cái Tết ấm áp, hạnh phúc, sum vầy bên gia đình thông qua những tấm vé xe, những phần quà nghĩa tình.
Mong phút giây sum vầy
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết trong khi Tết Nguyên đán Bính Thân đang đến rất gần, mỗi người Việt Nam chúng ta, ai cũng có niềm mong mỏi được về quê sum họp với gia đình. Nhưng đối với phần đông anh chị em công nhân (CN) làm việc tại các khu công nghiệp xa quê hương, thu nhập thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, nhất là đối với các CN còn chưa được trả đủ lương, không có tiền thưởng Tết thì việc lo sao cho đủ tiền về quê đón Tết thực sự là nỗi lo lắng sau cả một năm, thậm chí nhiều năm xa quê kiếm sống.
Thấu hiểu tâm tư, tình cảm đó, vào mỗi dịp cuối năm, các cấp CĐ lại chủ động xây dựng kế hoạch, tích cực phối hợp với chính quyền, chuyên môn và người sử dụng lao động tham gia giải quyết chính sách lương, thưởng Tết, tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho CN như tặng quà cho CN có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức xe đưa, đón CNLĐ về quê ăn Tết; tổ chức các hoạt động vui chơi văn hóa, văn nghệ để những CN không có điều kiện về quê được sum vầy với bạn bè, đón Tết đầm ấm, vui vẻ. Chương trình năm nay là hành trình từ Bắc vào Nam, với những câu chuyện cảm động, các cuộc gặp gỡ với những CN còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đó là những giây phút bất ngờ khi đoàn tụ và nhất là khát vọng về một mái ấm, một ngôi nhà, một nơi chốn để an cư trong lòng hàng triệu CN trên cả nước.
Vợ chồng chị Bùi Thị Sáng xa con đã 4 năm nay. Cuộc sống CN, ca kíp khiến vợ chồng anh chị phải gửi hai con ở nhà cho ông bà ở Yên Bái. Với đồng lương ít ỏi, thu nhập chỉ 3 triệu đồng/người/ tháng, anh chị thuê căn nhà nhỏ ở Bắc Ninh để làm công nhân. Tằn tiện chi tiêu, để có tiền gửi về quê nhà nuôi 7 miệng ăn. “Tết đến gần, nhìn những đứa trẻ trong khu nhà trọ vui đùa, nỗi nhớ con dâng lên và nước mắt lại trực trào ra”-chị Sáng bày tỏ. Ở nơi quê nhà, ông bà già yếu, ngày ngày vừa trông cháu vừa lo chuyện đồng áng, thu nhập chẳng đáng là bao, tất cả trông chờ vào đồng lương ít ỏi của bố mẹ các cháu gửi về. Còn đồi với những đưa trẻ, đôi mắt vẫn mòn mỏi mong ngày bố mẹ trở về. Đã mấy năm nay, chúng không cảm nhận được hơi ấm của mẹ cha. “Tết năm nay em chỉ dám sắm sửa chăn ấm biếu bố mẹ, số tiền lương thưởng còn để dành để lo cho con đi học trong năm tới. Chị Sáng đêm từng ngày để mong về quê thăm các con”-chị Sáng chia sẻ.
Nghẹn ngào phút giây đoàn tụ
Cũng tại chương trình Tết sum vầy do Tổng LĐLĐ Việt Nam giao cho Báo Lao Động, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh, Đồng Nai phối hợp tổ chức tại TP Bắc Ninh trong dịp trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, câu chuyện của gia đình nữ công nhân Lê Thị Thoa và Phan Văn Khương ở Đồng Nai vừa đi làm vừa vất vả nuôi con đã khiến cả hội trường rơi nước mắt.
Ông Nguyễn Văn Ngàng, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, thăm hỏi gia đình công nhân khó khăn
Quê ở Nghệ An, 7 năm đi làm CN ở Đồng Nai, vợ chồng chị Thoa chưa được về quê thăm bố mẹ, họ hàng vì không có tiền vì phải dành tiền để nuôi con nhỏ. Ở nơi quê nhà Nghệ An, khi ban tổ chức chương trình phát đoạn phóng sự về hình ảnh bố mẹ già phải tự sửa những vật dụng hỏng trong gia đình; lặng lẽ ngồi bên hiên nhà mong ngóng cháu, con trở về sum họp trong ngày Tết, cả hội trường đã lặng đi và nhiều người rơm rớm mắt vì xúc động.
Và Ban tổ chức Tết sum vầy đã mang đến món quà bất ngờ, khiến gia đình chị Lê Thị Thoa và anh Phan Văn Khương vỡ òa trong hạnh phúc. Từ bên cánh gà, bố mẹ, vợ con nhân vật được đưa ra, cả gia đình ôm chầm lấy nhau trên sân khấu. Đó là giọt nước mắt của hạnh phúc, nỗi niềm đã được sẻ chia. Nhìn phút giây đoàn viên của gia đình anh chị, nhiều CN phía dưới cũng chạnh lòng gạt nước mắt, vì rất nhiều người cũng giống anh, phải chấp nhận xa gia đình, con cái, bố mẹ để vất vả mưu sinh.
Sau giây phút xúc động này, người lao động (NLĐ) đã được nhận những món quà Tết và những tấm vé để họ được về quê quây quần bên gia đình ngày Tết. Các CN tham dự chương trình cho biết rất hạnh phúc khi được các cấp CĐ quan tâm và tạo điều kiện để có thời gian gặp gỡ, chia sẻ tâm tư trong những ngày cuối năm. Những món quà, những tấm vé đã thể hiện sự chăm lo của tổ chức CĐ đến NLĐ.
Sẻ chia thiết thực
Với phương châm để NLĐ nào cũng được đón Tết vui vẻ, đầm ấm, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp CĐ tiến hành khảo sát, nắm tình hình đời sống cũng như tâm tư, nguyện vọng của NLĐ; phối hợp với các ngành chức năng nắm bắt tình hình chế độ tiền lương, tiền thưởng cuối năm của các đơn vị; đàm phán, thương lượng, đề nghị người sử dụng lao động chăm lo tết cho CN]]. Đặc biệt, các CĐ cơ sở cần bám sát cơ sở để ghi nhận, phát hiện những trường hợp CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình có thân nhân bị TNLĐ, mắc các bệnh hiểm nghèo… để trong Tết sum vầy 2016, tổ chức CĐ kịp thời hỗ trợ.
Trong dịp Tết Nguyên đán này có trên 59 LĐLĐ địa phương, CĐ ngành Trung ương trên cả nước đã tổ chức Tết sum vầy cho hàng trăm nghìn NLĐ. Thông qua Tết sum vầy, nhiều NLĐ có mái ấm công đoàn để an cư; được đoàn tụ với gia đình sau nhiều năm không có kinh phí để về quê đón tết “Chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người lao động khi ở bên gia đình, niềm vui của họ khi nhận được những tấm vé đầy nghĩa tình, niềm vui của họ khi được trao hỗ trợ Mái ấm CĐ hay những phần quà đón Tết… và đây là phần thưởng quý giá đối với đội ngũ cán bộ CĐ. Tôi cho rằng Tết sum vầy đã mang lại mùa xuân, hơi ấm cho NLĐ và có sức lan tỏa mạnh mẽ”-Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.
Mong con mình đừng khổ như mình
Nhắc đi nhắc lại lời tâm sự của một nữ CN khi chị tâm sự: “Mong con mình đừng khổ như mình”, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải bày tỏ: Điều mong ước này cũng là một “điều ước” mà mọi NLĐ hiện nay đều nghĩ tới! Nếu “điều ước” này thành hiện thực thì thế hệ mai sau sẽ không còn những cảnh “đêm làm công nhân, sáng đi bán vé số”, đằng đẵng hằng năm trời không về quê đón Tết cùng gia đình, bố mẹ xa con, vợ bặt tin chồng, ở nhà lúp xúp - tứ bề gió thông. Các cấp CĐ cần ghi nhớ câu nói trên và đây cũng chính là mục tiêu lớn nhất mà tổ chức CĐ phải nỗ lực thực hiện"
Bình luận (0)