Những ngày cận Tết nguyên đán vừa qua, trong lúc người người nhà nhà sắm sửa chuẩn bị đón Tết thì công nhân (CN) một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP HCM sống trong tâm trạng rầu rĩ, lo lắng vì không có tiền về quê và tiêu dùng dịp Tết. Thậm chí, không ít người lao động (NLĐ) đã khóc tức tưởi, thức trắng đêm tại trụ sở công ty để phản đối khi chỉ nhận được khoản thưởng và tạm ứng lương tượng trưng, không đủ trả tiền xe về quê đón Tết với gia đình.
Ăn Tết với 200.000 đồng!
Tết Đinh Dậu có lẽ là cái Tết “vất vả” và “nhớ đời” của tập thể CN Công ty Tasko Vina (huyện Hóc Môn, TP HCM) bởi vào ngày 26-1 (tức 29 Tết), họ vẫn phải túc trực xuyên đêm tại công ty để đòi tiền thưởng. CN cho biết năm vừa qua, thấy công ty khó khăn, không ai bảo ai, mọi người đều thông cảm, cố gắng tăng ca liên tục để công ty giao hàng kịp tiến độ. Thế nhưng, dù phải làm việc đến hết ngày 28 Tết, họ chỉ được công ty tạm ứng cho mỗi người 1 triệu đồng để đón Tết. Chị T., một CN, ứa nước mắt: “Công ty yêu cầu chúng tôi phải làm đến sát Tết khiến những người ở xa đã đặt vé cũng phải hủy. Một triệu đồng thì trang trải được gì, chưa kể còn bao nhiêu thứ phải chi tiêu trong dịp Tết!”.
Đến trưa 29 Tết, sau 1 ngày thương lượng căng thẳng trong sự can thiệp của các cơ quan chức năng địa phương, công ty mới đồng ý nâng mức tạm ứng lên 2 triệu đồng/người. Số tiền tạm ứng ấy chỉ mới là một nửa tiền thưởng Tết, phần còn lại và lương tháng 1-2017, công ty hứa sẽ giải quyết sau Tết. Trước tình cảnh khó khăn của CN, LĐLĐ huyện Hóc Môn đã kịp thời hỗ trợ mỗi người 500.000 đồng.
Năm nay, Tết nguyên đán rơi vào cuối tháng 1, thời điểm chưa đến kỳ trả lương của DN (hầu hết đều chi trả vào đầu tháng 2). Tuy nhiên, để NLĐ có khoản tiền chi tiêu dịp Tết, nhiều DN đã linh động tạm ứng 50% tiền lương. Thế nhưng, cũng có nơi chỉ cho CN tạm ứng tượng trưng, chẳng hạn tại công ty A.L (quận Bình Tân, TP HCM), mỗi CN chỉ được tạm ứng lương 200.000 đồng. Đại diện công ty giải thích theo thỏa ước lao động tập thể, hằng tháng tiền lương được trả làm 2 đợt. Đợt 1 tạm ứng 200.000 đồng/người vào ngày 20 của tháng đó, đợt 2 thanh toán phần lương còn lại vào ngày 10 của tháng sau. Đến khi tập thể CN ngừng việc thì công ty lấy lý do đối tác chưa trả tiền nên chỉ nâng mức tạm ứng lên 2 triệu đồng cho những trường hợp khó khăn và có đơn đề nghị.
Giữ lương… làm tin
Việc làm này tưởng đã quá lạc hậu trong cách quản lý hiện nay song nhiều DN vẫn thực hiện và xem đấy như là cách “giữ chân” NLĐ. Đơn cử như trường hợp xảy ra tại một công ty 100% vốn Hàn Quốc ở quận 12, TP HCM. Trước đó, để hạn chế tình trạng NLĐ xin nghỉ Tết sớm ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đồng thời tránh biến động lao động dịp đầu năm mới, vào kỳ lương tháng 12-2016, công ty đã giữ lại 20% lương của tất cả CN và thông báo sẽ chi trả vào ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ Tết. Cũng vào ngày này, công ty sẽ chi trả 50% tiền thưởng Tết và 20% tiền lương tháng 1-2017 cho CN. Riêng số tiền thưởng còn lại, công ty sẽ trả cho những ai còn làm việc tại công ty vào tháng 3-2017.
Bất bình, tập thể CN đã ngừng việc. Khi đó, để tránh phải bồi thường vì giao hàng trễ hạn cho đối tác, ban giám đốc công ty buộc phải cam kết trả hết lương tháng 12 đúng hạn và toàn bộ tiền thưởng trước Tết cho CN. Sau cuộc ngừng việc, dù đã đạt hầu hết các yêu sách nhưng nhiều CN cho biết sau Tết sẽ nghỉ việc tìm nơi làm mới vì cảm thấy bất mãn với cách hành xử của công ty.
Nói về việc giữ lương, thưởng để tránh biến động lao động sau Tết, ông Hà Quang Tuyến, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Giày Thiên Lộc (quận 12, TP HCM), cho rằng hoàn toàn không nên. Thực tế chứng minh cách làm này thường đem lại tác dụng ngược. Ở công ty của ông, để giữ NLĐ, bên cạnh nhiều chính sách chăm lo chu đáo, duy trì khoản thưởng Tết hằng năm là 1 tháng lương cộng tiền thâm niên, công ty còn tặng quà cho NLĐ. Chưa hết, 3 tháng giáp Tết, công ty còn tăng tiền chuyên cần cho CN; 3 ngày đầu năm mới, công ty bồi dưỡng khuyến khích NLĐ vào đúng phép và tổ chức tân niên rút thăm trúng thưởng với tổng giá trị hơn 2 tỉ đồng. Với cách làm thiết thực đó, từ năm 2000 đến nay, tình hình lao động tại công ty rất ít biến động, năng suất lao động năm sau cao hơn năm trước, đời sống NLĐ được nâng lên rõ rệt.
Bình luận (0)