Ám ảnh kinh hoàng
Tháng 11-2017, trước khi cơn bão số 12 vào bờ, chung quanh căn nhà nhỏ trời bình yên đến lạ.
Người dân vẫn bình thản ra đồng, ông Chín đầu xóm cầm mớ lứoi hồ hởi ra biển, những lồng bè nuôi thủy - hải sản đang vỗ béo cá tôm chuẩn bị thêm vài tháng là xuất bè đón tết.
Ai cũng ngỡ sẽ có cái Tết trang hoàng.
Đài lúc đó thông báo bão sẽ vào miền Nam, rồi giật lùi lại Ninh Thuận, cuối cùng khi đổ bộ lại vào Phú Yên, Khánh Hòa.
Với kinh nghiệm sống cùng bão, má tui thở phào: "Buộc cửa nhà kỹ hơn, chèn mái nhà nặng hơn như vậy thì có thể an tâm mà ngủ tới sáng".
Cận sát giờ, báo đài thông tin cơn bão sẽ mạnh hơn và đổ bộ thẳng vào phía Nam tỉnh Phú Yên và bắc Khánh Hòa nhưng người dân cũng không còn quan tâm nhiều đến điều đó.
15 giờ, trời vẫn còn hửng nắng, đến 17 giờ, trời bắt đầu đổ mưa lớn, gió bắt đầu xoay vần liên hồi trên những nhành cây. Tai họa chính thức bắt đầu nhen nhóm.
Nửa đêm, cả nhà tôi không ai trong gia đình dám chợp mắt. Dàn đòn tay cõng dàn ngói của căn nhà trên dưới 2 tấn liên tục nhổm lên trên không rồi thả xuống, phát ra âm thanh "uỳnh, uỳnh...".
Xót xa khi nhìn lại căn nhà đổ sập, mênh mông nước...
Quá sợ hãi, mọi người vội chui xuống tấm phản gỗ, rúc người vào đó, trong nhà nước như lũ, bầy người ướt như chuột, mấy đứa nhỏ thấm nước, bị gió luồn lạnh run cầm cập.
0 giờ bão đổ bộ, mọi người vẫn đang thở gấp gáp vì lạnh và ướt thì bất ngờ nhà dưới đổ ầm. Ba tôi, thấy hai đứa cháu thò đầu ra ngoài, ông đã hét thật to trong tiếng gầm gừ của gió để mọi người ở yên dưới phản không được chui ra, bất đầu bật đèn pin di chuyển tìm đường.
Bước ra dòng nước, vội vàng rút chân lên ngay, ngoài sân nước đã lên ngang ngực, mấy đứa bé không thể nào cùng lội nước thoát thân, phải có người dìu và cõng bọn nó đi.
Mọi người bấu vào nhau để băng qua dòng nước để đến đường quốc lộ, nhắm đến UBND xã cách đó khoảng 300 mét, nơi có thể xem là an toàn gần nhất bây giờ. Lúc này, ngoài trời, không đèn xe, không ánh sáng điện chỉ có tiếng gió hút và tiếng tôn bay vèo vèo trên đầu.
Sau cơn bão là đống đổ nát, má tôi lo lắng chỉ còn 2 tháng đến Tết.
Gia đình chúng tôi đến UBND xã thì gần như kiệt sức chỉ kịp nhờ kíp trực là những thanh niên dân quân tự vệ, khoảng 5 -7 người quay lại nhà đưa 2 người phụ nữ lớn tuổi mau chóng thoát khỏi căn nhà đổ nát.
Túi đồ khô mang theo bị nước gió quật ướt không ai có bộ đồ khô, run cầm cập đến sáng. Nhưng đáng sợ hơn nhưng cơn gió càng lúc càng mạnh nơi kiên cố như UBND xã có lúc cũng cảm thấp lung lay muốn đổ sập.
Một cảm giác sợ hãi tột độ dâng trào.
Trong đầu đã phần nào định hình được những gì ngày mai sẽ chứng kiến ở căn nhà mình. 4 giờ sáng, gió vẫn rít từng cơn ầm ầm dữ dội không khác giữa đêm, chỉ cầu mong trời mau sáng, gió lặng yên để chạy về căn nhà. Từ nhỏ đến lớn đối diện hàng chục cơn bão nhỏ to, khốc liệt. Nhưng mạnh cỡ nào đi nữa cũng đến 15 - 30 phút là cùng. Nhưng lần này thì khác, cơn bão quần thảo từ tối đến 6 giờ sáng hôm sau mới chịu buông thả.
Chạy vội về nhà đôi chân dường như không còn đứng vững, khung cảnh ngôi nhà không khác gì bị dội bom, mặc dù đã hình dung nhưng không thể ngờ cảnh tượng có thể thảm khốc đến thế.
Sóng điện thoại bị đứt hơn nữa tháng, lưới điện 1 tháng sau vẫn chưa khôi phục được. Mọi người, anh chị em ở nơi xa dồn về dọn dẹp hơn 3 ngày mới xong đống đổ nát, 2 tháng sau là Tết 2018 đón tết trong nhà nhưng mái nhà được giăng phên bạt phía trên để ngăn mưa đổ chan nước.
Một năm buồn cùng với nhiều gia đình khác. Hàng chục người chết, hàng trăm căn nhà đã đổ nát hoàn toàn và không còn sức để khôi phục.
Sự sống trỗi dậy mạnh mẽ
Tết 2018, nhà tôi đón Tết trong hoang tàng, nợ nần và mấy anh em chúng tôi tự hứa với nhau: "Ráng năm nay làm dư dựng lại mái nhà cho ba má đỡ cực".
Rồi anh lớn nổ lực làm việc, tiết kiệm từng đồng. Tôi vào TP HCM sinh sống, tích góp vay mượn nhiều nơi để giúp gia đình lo phục dựng lại đống đổ nát.
Cuối cùng mấy anh em chung tay hoàn thành ước nguyện.
Hơn một năm xảy ra bão, sự sống đã trỗi dậy mạnh mẽ, những mái nhà ngói mới - cũ xen nhau lẫn lộn đã được dựng lại, những cây cổ thụ ngã nghiêng đã được thay thế bằng những mầm sống nhỏ đang vươn thẳng tươi xanh lên trời, ngư dân lại hồ hởi ra biển.
Mùa mưa 2018 miền Trung không có bão lớn, cũng không có mưa lũ to, âu cũng là mẹ thiên nhiên bao dung muốn tái tạo con người. Người dân trúng mùa lúa hơn, trúng mùa hoa hơn, không bị thiệt hại mùa màng.
Những cánh đồng đã bắt đầu xanh ngắt mạ lúa khi những cơn nước đã rút dần ra xa.
Năm nay không bị thiên tai tàn phá, hoa được mùa, nếu mới 28 Tết mà chợ hoa đã vơi nhiều đi tức là người dân năm nay ăn tết đỡ. Nếu liếc mắt nhìn vào nhà người dân nhà nào cũng có chậu cúc, chậu hồng trong nhà, như vậy người dân năm nay ăn tết đủ đầy.
Rất nhiều bà con trong xóm sống cảnh tạm bợ, nhưng ai ai cũng có niềm tin sau cơn bão.
Trên những cánh đồng, mạ xanh ưỡn thân rung rinh trước gió xuân còn lạnh buốt, bầu trời hửng nắng chói chang, hàng mai bên hiên nhà đã vàng rực bờ tường. Người dân không còn loăn xoăn trên những cánh đồng những ngày cuối năm.
Năm nay người dân chắc sẽ ăn tết lớn, cuộc sống vẫn diễn ra như thường ngày. Thiên nhiên có thể tàn phá con người nhưng con người chưa bao giờ chùn bước với thiên nhiên.
Ngày cuối năm, má tôi cười hiền: "Nhà người ta có tiền mua chậu cúc. Nhà mình có sẵn mấy nhánh mai rừng chồng dưới đất vậy mà cũng nở vàng choé. Má không lo khó mà chỉ lo mấy con ngại khó".
Vườn mai rừng má trồng trước sân nhà, Tết 2019 vàng óng ai cũng trầm trồ.
Má nói đúng. Sự sống chưa bao giờ dừng lại, vẫn xanh tươi và hướng thẳng lên bầu trời như những mầm mạ non.
Vẫn vàng chói và trang hoàng như những cánh mai rực vàng dưới nắng.
Bình luận (0)