Dù đã ra nghề, làm việc và giảng dạy đã lâu nhưng đi đâu, trong túi xách của Trần Ngọc Hiếu, giáo viên bartender (pha chế) Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, lúc nào cũng có vài cái chai. Anh cho biết nghề này nếu không luyện tập mỗi ngày thì sẽ "xuống phong độ" ngay.
Luyện tập ngày đêm
Năm 2007, khi đang buồn chán vì thi rớt đại học thì Hiếu được chị ruột khuyên theo học Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist. Sau đó, khi đang học ngành quản lý nhà hàng, trong một lần xem trình diễn bartender, chứng kiến từng động tác thuần thục của người diễn kết hợp tiếng nhạc sôi động, anh như bị thôi miên và quyết định chuyển sang học ngành này.
Nghề bartender du nhập Việt Nam chưa lâu. Người hiểu về nghề, làm nghề này cũng chưa nhiều. Đa số bartender hiện nay chỉ pha chế thức uống, kỹ năng biểu diễn chưa thuần thục để có thể thu hút khách.
Trần Ngọc Hiếu trình diễn pha chế thức uống
"Một bartender giỏi là người phải thuộc nằm lòng các công thức pha chế chuẩn nhiều loại cocktail, biểu diễn quá trình pha thành một cuộc chơi tung hứng nghệ thuật và bắt mắt với những chiếc ly, chai, cốc.. Bartender còn phải biết tạo sự cuốn hút, biết cách giao tiếp khéo léo với khách" - Hiếu cho biết.
Để khách không thể rời mắt bất cứ giây nào suốt chương trình biểu diễn, Hiếu đã lao vào luyện tập ngày đêm. Ngoài giờ đi học ở lớp, anh ra công viên, bãi cát để tập. Số lần bể chai, ly, cốc và đứt tay, chảy máu vì luyện tập cũng không ít. Không chỉ thế, Hiếu còn phải thuộc nằm lòng tên gọi, đặc tính của từng loại rượu, sự tương tác giữa các loại rượu khác nhau; biết các kiểu ly thích hợp với từng loại thức uống cũng như công thức pha chế các loại thức uống từ đơn giản đến phức tạp.
Rạng danh ở xứ người
Say mê, tìm tòi và sáng tạo, Hiếu muốn theo con đường chuyên nghiệp, thử sức mình ở các cuộc thi trong và ngoài nước. Anh tự lên mạng xem thông tin và một mình ra nước ngoài thi thố.
Chàng trai 29 tuổi này đã lần lượt xếp thứ 10 bartender thế giới tại cuộc thi Pattaya Flair Bartender (Thái Lan), vô địch cuộc thi ASEAN Bartender Championship ở Thái Lan, vô địch cuộc thi Viet Nam Bartender Competition tại TP HCM… Hiếu nhớ lại: "Ra nước ngoài thi đấu, tôi học được rất nhiều điều bổ ích từ các bartender. Chẳng hạn, bartender Nhật Bản rất chỉn chu, ngăn nắp; còn bartender của Nga thì phóng khoáng, lãng mạn… Đặc biệt, họ rất thân thiện. Khi ai thiếu dụng cụ hay nguyên liệu, họ sẵn sàng cho mượn mà không hề tính toán, so đo".
Tại giải vô địch Bartender Đông Nam Á được tổ chức ở Thái Lan, Hiếu đã pha chế món cocktail gồm các nguyên liệu chính: men, lê, củ sen và hoa sen. Khi ban giám khảo đặt câu hỏi: "Vì sao bạn đem loại cocktail này đến với cuộc thi?", anh tự tin trả lời: "Sen như là quốc hoa của Việt Nam, có vẻ đẹp tinh khiết và giản dị, nhất là sức sống rất mãnh liệt. Còn củ sen, quả lê có tác dụng bài tiết độc tố cho cơ thể. Đây là thức uống nhẹ nhàng, lành mạnh và tốt cho sức khỏe về lâu dài". Cách ứng xử thông minh cùng tài pha chế đã giúp Hiếu đứng lên bục cao nhất tại hội thi này.
Năm 2013, Hiếu chính thức giảng dạy bộ môn bartender tại Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist. Với kinh nghiệm nhiều năm làm nghề flairtending (pha chế biểu diễn), anh đã mạnh dạn đề xuất với bộ môn nhà hàng bổ sung vào bài giảng một số tiết mục thực hành biểu diễn pha chế, tung hứng… Những thay đổi này giúp các tiết thực hành sinh động hơn khi kết hợp với âm thanh, ánh sáng, rèn những kỹ năng cần thiết cho sinh viên khi ra trường.
Nhờ những thành quả đã gặt hái, chàng giáo viên trẻ này từng nhận được lời mời làm việc tại Macau (Trung Quốc) và một khu nghỉ dưỡng ở Mỹ với mức lương rất hấp dẫn. "Từng muốn thay đổi nơi làm việc, kiếm một số vốn và trau dồi ngoại ngữ nhưng sau khi suy xét thiệt hơn, tôi đã thôi. Tôi đang dẫn dắt một đội sinh viên tham gia cuộc thi bartender ở nước ngoài. Nếu tôi bỏ ngang, đội sẽ tan rã. Mong muốn của tôi là luyện tập và tham gia các cuộc thi bartender thế giới chứ không đơn thuần là làm nghề và kiếm tiền" - anh bộc bạch. Để thực hiện mục tiêu này, có đủ chi phí "chinh chiến" ở nước ngoài, ngoài giờ đi dạy, Hiếu còn tham gia biểu diễn ở các nhà hàng, quán bar, cà phê…
"Giỏi nhưng khiêm tốn là tính cách của Hiếu. Hiếu luôn sẵn sàng chỉ dạy sinh viên bằng tất cả sự nhiệt huyết, đam mê. Chúng tôi tự hào vì có một giáo viên như Hiếu" - bà Nguyễn Thị Bạch Lan, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Saigontourist, nhận xét.
Khổ luyện là con đường duy nhất để bartender tiến xa trong nghề. Không chỉ chú trọng rèn luyện kỹ năng pha chế, bartender thực thụ phải tạo được không khí vui nhộn, biết cách giao tiếp khéo léo với khách hàng tại quầy bar. Điều này không phải dễ nếu bạn không có ý thức tự rèn luyện" - Hiếu bày tỏ.
Bình luận (0)