xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thất nghiệp tự nguyện: Doanh nghiệp “đuổi khéo" người lao động?

LÊ PHƯƠNG (BÁO LAO ĐỘNG)

Khái niệm “thất nghiệp tự nguyện” không phải là định nghĩa mới trong lĩnh vực việc làm nhưng gần đây lại được xới xáo lên và gây sự chú ý trong dư luận. Người ta nói nhiều đến thất nghiệp tự nguyện, thậm chí có những quan điểm trái chiều.

Tuy nhiên, việc nhìn nhận tình trạng thất nghiệp tự nguyện là cách doanh nghiệp (DN) "đuổi khéo" lao động hay do người lao động (NLĐ) nghỉ làm vì tự trọng hoặc chấp nhận thất nghiệp chứ không đeo đuổi công việc không đúng chuyên môn lại là câu chuyện dài. Trong số những người thất nghiệp tự nguyện, ngoài nhóm đang làm công việc ổn định nhưng bị DN"làm khó", chuyển sang công việc không đúng chuyên môn, còn có một nhóm khác không kém "bi kịch". Đó là học xong, loay hoay không xin được việc làm hoặc việc không đúng chuyên môn.

"Em cất bằng tốt nghiệp đại học rồi"

Câu trả lời có phần "hồn nhiên" của cử nhân Học viện Bưu chính Viễn thông Lê Văn Kỳ khiến tôi ngạc nhiên. Ra trường hơn một năm, cũng từng mang hồ sơ rải khắp các cơ quan, doanh nghiệp nhưng công việc hiện tại của Kỳ là điều hành một nhóm shipper. "Em đang có 14 bạn shipper, công việc đều đều, mỗi tháng các bạn nhận lương khoảng 3,5 triệu đồng, có tháng nhiều hơn nếu rộ đơn hàng. Sau 7 tháng nhận làm đầu mối giao hàng, em đã hoà vốn và bắt đầu có thu nhập ổn định".

"Em cứ mơ ước được làm đúng ngành đúng nghề, một công việc liên quan đến chuyên môn mình đã được học, thậm chí em còn tưởng tượng được làm tại Tập đoàn Viettel chị ạ…" - Kỳ nói. 8 tháng ròng rã xin việc, thậm chí gia đình chấp nhận "chi phí" để xin được công việc nào đó, cuối cùng Kỳ không thể tìm được công việc mà mình mơ ước. Có thời điểm, Kỳ nhận làm cả trực điện thoại cho doanh nghiệp, mức lương 2,7 triệu đồng/tháng, với lý do khi tuyển dụng: "Bưu chính cũng liên quan đến trực điện thoại". Kỳ bảo làm được 6 ngày, cậu ngao ngán tự nghỉ làm, không xin nghỉ cũng không đòi lương của 6 ngày đó.

"Em quyết định cất bằng tốt nghiệp đại học sau lần về quê giúp mẹ vụ gặt. Mẹ em bảo thuê người ngày mùa có khi tiền công 250.000 đồng/ngày mà cũng không có người làm, giá lúa lại thấp. Rồi mẹ em nói muốn cho em trai em đi xuất khẩu lao động sang Nhật nhưng không có tiền nộp cho công ty" - Kỳ nói. Sau mấy tháng làm shipper, Kỳ bắt đầu có mối hàng, cậu kết nối cho những sinh viên ở cùng khu trọ, bạn bè cùng quê… cùng làm. "Cạnh tranh ghê lắm chị ạ, mỗi đơn giao hàng có khi chỉ 15 nghìn đồng, có người biết mình chốt giá 15 nghìn họ lại báo cho chủ hàng có thể giao với giá 13 nghìn, chỉ 2 nghìn đồng có khi mình cũng mất khách" - Kỳ cho hay.

Từ chỗ cầm trong tay tấm bằng cử nhân nhưng không có thu nhập, hiện Kỳ điều hành nhóm shipper và có cuộc sống tạm ổn. "Sau khi trả lương, trả tiền thuê nhà và ăn uống, mỗi tháng em gửi về cho mẹ em 3 triệu đồng và tiết kiệm được khoảng 5-6 triệu đồng, em thấy như thế tốt lắm rồi. Em cũng chưa nghĩ đến chuyện lôi bằng ra đi xin việc, mệt mỏi lắm, nhưng công việc hiện tại cũng không ổn định, không biết còn làm được đến khi nào…" - Kỳ tâm sự.

N.V.H tốt nghiệp ngành kế toán Trường Đại học Công đoàn năm 2016. H. cho biết, trong số bốn công việc mà cô đã kinh qua, chỉ một lần cô làm việc gần với những thứ mình được học, ba lần còn lại khi thì làm nhân viên hành chính, khi là nhân viên kinh doanh, khi là lễ tân. Lần cuối trước khi nghỉ việc, H. làm kế toán cho ban quản lý một khu đô thị sinh thái.

H. chia sẻ: "Từ nhà em đến nơi làm khoảng 17km, sáng em dậy từ 5h30 để đi bus đi làm, lương 5 triệu đồng/tháng và không có bất cứ khoản gì khác. Em tằn tiện ăn uống, thuê nhà cũng không căng lắm nhưng việc đi làm xa, có hôm tắc đường đến muộn lại bị trừ lương khiến em rất mệt mỏi. Làm được 3 tháng em xin nghỉ".

Hiện, H. ở nhà bán hàng quần áo qua mạng, mua hoa quả đặc sản từ miền Nam bán và kiêm luôn shipper. Cô cho biết, dù công việc vất vả, nửa đêm vẫn trả lời tin nhắn của khách trên mạng nhưng lại không quá gò bó về thời gian, thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. "Em thấy các bạn mình học ngành kế toán của các trường đại học tốp trên cũng không xin được việc, nên em cũng không hy vọng làm đúng chuyên môn nữa" - H. nói.

Muôn kiểu "tự nguyện"

Nguyễn Trường Giang - 35 tuổi - là quản lý cấp dự án của một tập đoàn lớn chuyên về xây dựng. Cuối tháng 7.2017, anh được "luân chuyển" sang quản lý một lĩnh vực khác trong tập đoàn mà theo anh là "không có chút kiến thức nào".

Trước đó, mức lương của Giang là 3.000USD/tháng, công việc khá vất vả vì mỗi tháng anh chỉ được nghỉ hai ngày chủ nhật, thường xuyên đi công tác các tỉnh."Luân chuyển xong tôi được thông báo vẫn giữ nguyên mức lương nhưng các yêu cầu hoàn thành công việc mới rất khắt khe, sau hai tuần cảm thấy không thích ứng được tôi quyết định xin nghỉ việc. Hiện, tôi đã gửi hồ sơ cho hai tập đoàn xây dựng khác, mức lương khởi điểm yêu cầu 2.000USD và sau 3 tháng, đánh giá hiệu quả công việc xong sẽ thoả thuận lại" - Giang nói.

Thất nghiệp tạm thời như Giang cũng là một kiểu thất nghiệp, nhưng có phải là thất nghiệp tự nguyện hay không khi anh vẫn muốn làm công việc cũ và bị DN điều chuyển kiểu tréo ngoe? Thực tế cho thấy Giang còn hạnh phúc và may mắn hơn rất nhiều người khác vì số lương tính bằng nghìn đô và còn nhiều lựa chọn phía trước. Nhiều lao động khác, "luân chuyển" nghĩa là họ gần như mất hết cơ hội việc làm ở tuổi đã "quá băm" và trình độ tay nghề không phải nhóm "chất lượng cao".

Tại buổi thông tin báo chí về một số lĩnh vực lao động - xã hội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Hồng Lan cho hay, thị trường lao động việc làm trong 9 tháng đầu năm nổi lên tình trạng sa thải lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là lao động nữ tại nhiều DN FDI.

Thông tin thêm, ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH) - cho biết, về vấn đề sa thải lao động ngoài 35 tuổi đang diễn ra tại một số DN FDI, ngành chức năng yêu cầu các DN phải thực hiện đúng như Luật Lao động quy định, không được tự ý sa thải hoặc đơn phương sa thải lao động. Giải pháp ông Bốn nêu ra bao gồm: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như NLĐ được học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, công việc phù hợp. Ngoài ra, phải tạo điều kiện cho DN và NLĐ gắn kết với nhau lâu dài; những quy định về lao động, hợp đồng lao động phải chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của người lao động, từ đó, hạn chế thấp nhất việc chủ sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

"Tới đây, chúng tôi đưa ra đề án thảo luận các tổ chức lao động trong nước và quốc tế về thực trạng, giải pháp của các nước trong vấn đề này, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp hạn chế tình trạng trên và bảo vệ quyền lợi NLĐ" - ông Bốn nói.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo